Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng của V.I.Lênin
V.I. Lênin là người đã kế tục trung thành và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác và triết học Mác trong thời đại mới - thời đại đế quốc chủ nghĩa và quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Với những nỗ lực không biết mệt mỏi và tư chất thông minh cùng ý chí, niềm say mê hoạt động cách mạng, ông đã làm việc, cống hiến, sức lực tâm huyết và trí tuệ cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân. Ngay cả những lúc bị tù đày, sống lưu vong ở nước ngoài, cũng như trong những năm tháng hoạt động lý luận và chỉ đạo phong trào cách mạng của giai cấp công nhân Nga, V.I. Lênin đã thể hiện rõ là một lãnh tụ, một nhà lý luận thiên tài, nhà tổ chức và người lãnh đạo kiệt xuất của giai cấp vô sản.
Kỷ niệm 153 năm ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870 - 22/4/2022) là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đưởng 30 năm hoạt động cách mạng với những đóng góp của ông đối với lịch sử nhân loại, đối với thời đại hiện nay. Tác phẩm Làm gì? là một trong số hơn 9.000 tác phẩm của ông để lại, được viết vào năm 1902 đã phân tích những nguyên lý quan trọng của chủ nghĩa duy vật lịch sử nhất là chỉ ra vai trò quan trọng của tổ chức Đảng. Vì vậy, đối với những cán bộ đảng viên cần nắm vững những tư tưởng cơ bản của V.I.Lênin đã viết trong tác phẩm khi bàn về nội dung này sẽ góp phần cung cấp cho chúng ta căn cứ khoa học nhằm quán triệt, thực hiện những quan điểm của Đảng ta về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Bên cạnh đó là cơ sở lý luận đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chủ nghĩa muốn phủ nhận, bác bỏ vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nước Nga Sa hoàng vào giữa thế kỷ XIX vừa bước vào con đường phát triển chủ nghĩa tư bản. Mặc dù có phần chậm hơn so với các nước Tây Âu khác nhưng đến năm 1861 thì chủ nghĩa tư bản ở Nga phát triển nhanh chóng sau khi bãi bỏ chế độ nông nô. Từ năm 1865 - 1890, giai cấp công nhân Nga phát triển cả về số lượng và chất lượng nhưng vẫn phải sống dưới ách thống trị tàn bạo của chế độ Nga hoàng. Khi phong trào công nhân tự phát ngày càng phát triển mạnh đặt ra yêu cầu phải kết hợp chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân. Vì thế, vào năm 1895, Lênin hợp nhất các tổ chức của công nhân ở Pêtécbua thành Hội liên hiệp chiến đấu giải phóng giai cấp công nhân Pêtécbua. Tổ chức đó là mầm mống, là tổ chức tiền thân của một đảng cách mạng dựa vào phong trào công nhân. Chỉ thời gian ngắn sau đó Hội bị chính quyền Nga hoàng khủngvì vây bố, Lênin và các bạn chiến đấu của Người bị bắt. Lúc này ban lãnh đạo Hội liên hiệp chiến đấu giải phóng giai cấp công nhân ở Pêtécbua có sự phân hóa thành một số nhân vật tự nhận là “thanh niên” còn Lênin và các bạn chiến đấu là “già”. Họ kêu gọi công nhân tập trung đấu tranh về kinh tế chống lại bọn chủ. Đó là phái “kinh tế”, gồm bọn cơ hội, thỏa hiệp đầu tiên trong hàng ngũ các tổ chức Mácxít ở Nga. Lênin cho rằng, phái “kinh tế” là trung tâm của chính sách thỏa hiệp và chủ nghĩa cơ hội; muốn thành lập được chính đảng của giai cấp vô sản phải đánh bại phái “kinh tế”. Vì vậy, ông đã bắt đầu thực hiện việc tập hợp các bài viết ở báo Tia lửa với tự đề Bắt đầu từ đâu thành tác phẩm Làm gì ? từ tháng 5 năm 1901 đến tháng 2 năm 1902 thì tác phẩm được xuất bản.
(Ảnh minh họa) Nội dung chính của chương thứ tư tác phẩm Làm gì ? một mặt tập trung phê phán những quan điểm cơ hội chủ nghĩa của phái “kinh tế” về mặt tổ chức mặt khác chỉ rõ cho những người dân chủ - xã hội của giai cấp công nhân là phải có một tổ chức đảng thống nhất, tập trung của giai cấp công nhân thì mới hoàn thành được nhiệm vụ chính trị lịch sử của giai cấp công nhân. Cuộc đấu tranh của Đảng dân chủ - xã hội rộng lớn và phức tạp hơn nhiều so với cuộc đấu tranh kinh tế của công nhân chống bọn chủ và chính phủ. Vì thế, tổ chức của những người cách mạng phải khác tổ chức của công nhân, không thể lấy là tổ chức công nhân để thay thế cho tổ chức những người cách mạng. Tổ chức của những người cách mạng phải tập hợp những người lấy hoạt động cách mạng làm chuyên nghiệp, tổ chức của công nhân thì trước hết phải có tính chất nghề nghiệp phải hết sức rộng và càng có ít tính chất bí mật càng tốt. Vì nếu không có một tổ chức của những người cách mạng như vậy thì không thể có phong trào cách mạng vững chắc được. Tổ chức của những người cách mạng có tính chất quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. V.I.Lênin chỉ rõ trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản, giai cấp công nhân không có vũ khí nào tốt hơn là sự tổ chức; tổ chức quả là một vũ khí nhờ đó mà giai cấp vô sản sẽ tự giải phóng; rằng, đối với giai cấp công nhân thì tổ chức là vũ khí đấu tranh giai cấp. Người viết: “Tính tự giác của đội tiên phong còn biểu hiện ở chỗ là nó biết tự tổ chức. Mà sau khi đã được tổ chức, nó có một ý chí thống nhất, và ý chí thống nhất ấy của một nghìn, một trăm nghìn, một triệu người tiên tiến sẽ trở thành ý chí của giai cấp” (1). Nhiệm vụ của những người dân chủ - xã hội là phải chú ý đến việc nâng cao trình độ công nhân lên trình độ những người cách mạng, chứ không phải tự hạ thấp xuống trình độ quần chúng công nhân như ý muốn của những người kinh tế chủ nghĩa. Cuộc đấu tranh tự phát của giai cấp vô sản sẽ không trở thành cuộc đấu tranh giai cấp thực sự của giai cấp vô sản khi nó chưa được một tổ chức mạnh mẽ gồm những người cách mạng lãnh đạo. Tổ chức mạnh mẽ đó là tổ chức Đảng một tổ chức thống nhất và tập trung của giai cấp vô sản - bao gồm trước hết và chủ yếu là những người lấy hoạt động cách mạng làm chuyên nghiệp. Chỉ với tổ chức như vậy mới khắc phục được tình trạng phân tán, tản mạn trong Đảng. V.I.Lênin yêu cầu phải có lực lượng những người cán bộ, đảng viên ngang tầm nhiệm vụ cách mạng, những người cán bộ có đủ tri thức, năng lực và phẩm chất để có thể thực thi những trách nhiệm công tác nặng nề trong tổ chức. Khi những con người có lý tưởng cách mạng, có năng lực công tác được tập hợp thành một tổ chức hợp lý, chặt chẽ sẽ tạo nên một sức mạnh cải tạo cách mạng. Và để tổ chức ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ, đảng cầm quyền phải biết làm cho hàng ngũ của mình trong sạch bằng cách đuổi bọn thoái hóa biến chất, cơ hội, thù địch ra khỏi Đảng. Đảng Công nhân dân chủ - xã hội là đội tiên phong của giai cấp công nhân, phải trung thành tuyệt đối với sự nghiệp của giai cấp công nhân, có lý luận tiên phong và tổ chức chặt chẽ. V.I.Lênin cho rằng:“...đội tiền phong có nghĩa vụ thường xuyên phải nâng các tầng lớp ngày càng đông đảo đó lên trình độ tiên tiến ấy. Và chúng ta chính là sẽ nhắm mắt lại và quên mất như vậy, nếu xóa bỏ sự khác nhau giữa những người gần gũi đảng và những đảng viên, giữa những phần tử giác ngộ và tích cực với những người giúp đỡ chúng ta”(2). Đảng phải giữ vững mối liên hệ mật thiết với đông đảo quần chúng nhân dân, phải giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng, phải thường xuyên củng cố những nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng.
Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đặc biệt coi trọng việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Qua các nhiệm kỳ đại hội, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về công tác xây dựng Đảng. Nhờ đó, bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực lãnh đạo của Đảng ngày càng được nâng lên, đặc biệt trước mọi khó khăn, thách thức, Đảng luôn vững vàng và có những quyết sách phù hợp để chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả. Bản chất, lập trường giai cấp công nhân của Đảng được giữ vững; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt và người đứng đầu các cấp từng bước được nâng lên; tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên có tiến bộ; việc ngăn chặn, xử lý tiêu cực, sai phạm, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí có chuyển biến rõ nét.
Để tiếp tục xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên cần tiếp tục học tập, thấm nhuần sâu sắc, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong nhận thức và hành động. Mỗi cán bộ, đảng viên nhất là cán giữ chức vụ cần tập trung thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về xây dựng Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII, XIII) gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường sự lãnh đạo và đoàn kết, thống nhất trong Đảng; giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng; đề cao pháp luật của Nhà nước; chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Tài liệu tham khảo
1. 2.. V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.8, tr.290., tr 295.
Ý kiến bạn đọc