Trang Facebook

Lượt người truy cập

  • Đang truy cập: 631
  • Khách viếng thăm: 630
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 157005
  • Tháng hiện tại: 1742821
  • Tổng lượt truy cập: 59552191
Tuổi trẻ Tỉnh Hà Tĩnh xung kích, năng động, sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng!
App thanh niên

Học tập và làm theo tấm gương nhà trí thức yêu nước Huỳnh Tấn Phát

Đăng lúc: Thứ ba - 14/02/2023 21:30 - Người đăng bài viết: bantuyengiao
Học tập và làm theo tấm gương nhà trí thức yêu nước Huỳnh Tấn Phát

Học tập và làm theo tấm gương nhà trí thức yêu nước Huỳnh Tấn Phát

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là một nhà tri thức yêu nước lớn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều thế hệ khác nhau. Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát là dịp để mỗi chúng ta tri ân, khẳng định những công lao và đóng góp quan trọng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/02/1913 tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho hiện nay là ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ngày từ thuở nhỏ, Huỳnh Tấn Phát đã chăm chỉ học tập, sớm bộc lộ tư chất thông minh hơn người. Sau khi tốt nghiệp bậc tiểu học, bậc trung học tại Trường dòng Laxan Tabe Mỹ Tho đồng chí Huỳnh Tấn Phát tiếp tục thi đậu, nhận học bổng vào Trường Petrus ký tại Sài Gòn - Gia Định. Năm 1933, Huỳnh Tấn Phát thi đậu vào khoa Kiến trúc khóa 8 của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Đây là một sinh viên nhiệt tình, sôi nổi trong tất cả những hoạt động của Tổng Hội sinh viên Đông Dương và Hội Ái hữu sinh viên Nam Kỳ. Trong đó có sự kiện đồng chí tham gia phong trào Đông Dương Đại hội cùng một số bạn học tổ chức đoàn đại biểu sinh viên, học sinh lên gặp phái đoàn Godard - đại diện Chính phủ bình dân Pháp sang Đông Dương để gửi Tập thư thỉnh nguyện có nội dung đòi dân sinh, dân chủ vào năm 1936. Sau khi tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc, ông tập sự ở văn phòng kiến trúc sư người Pháp Chauchon ở Sài Gòn. Đồ án thiết kế công trình của Huỳnh Tấn Phát đã thực hiện thành công, đón nhận sự đánh giá cao từ giới kiến trúc sư là kết quả của quá trình nỗ lực phấn đấu, thái độ nghiêm túc trong công việc cùng với những năng khiếu bẩm sinh. Năm 1940, Huỳnh Tấn Phát là kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên mở văn phòng kiến trúc sư riêng tại số 68 - 70 đường Võ Thị Sáu. Đến cuối năm 1941, đồng chí đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế và xây dựng khu Trung tâm hội chợ triển lãm Đông Dương tại vườn Ông Thượng hiện nay là Tao Đàn do Jean Decoux, toàn quyền Đông Dương thời đó tổ chức. Từ cuộc thi đó, tên tuổi Huỳnh Tấn Phát được biết đến nhiều hơn, tạo nên uy tín trong giới kiến thức Sài Gòn lúc ấy. Từ 1943 đến nay, những biệt thự do Huỳnh Tấn Phát thiết kế vẫn còn giữ nguyên nét đẹp cổ kính, phù hợp với khí hậu nóng, ẩm phương Nam.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh cùng gia đình trong lần về thăm quê hương. (Ảnh Bảo tàng tỉnh Bến Tre).

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh cùng gia đình trong lần về thăm quê hương. (Ảnh Bảo tàng tỉnh Bến Tre).

Mặc dù ông nổi tiếng từ rất sớm về tài vẽ phối cảnh nhưng không quan tâm đến việc làm giàu mà tự nguyện gắn cuộc đời mình với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ngay từ khi còn trẻ tuổi, Huỳnh Tấn Phát đã nuôi hoài bão lớn và khát vọng cháy bỏng đem tài năng và trí tuệ làm đẹp cuộc đời. Chính phong trào đấu tranh bất khuất của những chiến sĩ cộng sản cùng Nhân dân trong và sau Khởi nghĩa Nam Kỳ đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, hành động của Huỳnh Tấn Phát. Với nhiệt huyết của một trí thức yêu nước, ông đã chủ động, tích cực tham gia các hoạt động cách mạng. Huỳnh Tấn Phát đứng ra làm Chủ nhiệm tuần báo Thanh niên với khuynh hướng chống Pháp, chống Nhật. Năm 1944, ông đã cùng nhóm Huỳnh Tấn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước sử dụng tờ báo Thanh niên phát triển mạnh Phong trào truyền bá Quốc ngữ, phong trào “Cứu trợ nạn đói Bắc Kỳ”; là một trong những người tổ chức, cổ vũ, lãnh đạo phong trào “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” của thanh niên, học sinh, sinh viên miền Nam. Lực lượng “Thanh niên tiền phong” do đồng chí tham gia tổ chức và lãnh đạo đã đóng vai trò xung kích quan trọng trong khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân tại Sài Gòn và Nam Bộ ngày 25/8/1945. Phong trào này đã thu hút lực lượng đông đảo các tầng lớp Nhân dân vào cuộc đấu tranh yêu nước do Đảng lãnh đạo. Ông chính là người trực tiếp cổ động, tuyên truyền, thuyết phục không mệt mỏi các tầng lớp nhân dân, đào tạo, bồi dưỡng hàng loạt cán bộ cốt cán cho phong trào yêu nước. Những tháng đầu năm 1945, Huỳnh Tấn Phát mở lớp huấn luyện bí mật đầu tiên về chủ nghĩa Mác - Lênin cho một số thanh niên trí thức Sài Gòn ngay tại văn phòng làm việc của mình. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương vào tháng 3/1945. Đây là sự kiện đánh dấu bước chuyển mình sang thời kỳ mới của cuộc đời hoạt động cách mạng  đồng chí Huỳnh Tấn Phát, ông đã quyết định đóng cửa văn phòng kiến trúc sư đang hoạt động hiệu quả nhất để chuyên tâm vào hoạt động cách mạng.

Đề cương kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát, | Tạp chí Tuyên giáo

Trải qua quá trình hoạt động vận động quần chúng thời kỳ này, đồng chí Huỳnh Tấn Phát trở thành nhà trí thức có uy tín lớn đối với đồng bào các giới ở Sài Gòn. Đó cũng là nguồn sức mạnh cổ vũ, thôi thúc đồng chí Huỳnh Tấn Phát vượt qua những năm tháng gian khổ, hy sinh đồng hành cùng dân tộc trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như những năm tháng đầy khó khăn, thử thách trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này. Thực hiện chủ trương của Đảng về việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng chí đã tổ chức vận động các nhân sĩ, trí thức có uy tín bí mật ra vùng giải phóng tham gia mặt trận; là người có đóng góp lớn vào việc tổ chức thành công Hội nghị thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định, Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Đồng chí đã tham gia nhiều phong trào, nhiều tổ chức của trí thức, của nhiều tầng lớp nhân dân để giác ngộ và đưa họ vào các hoạt động yêu nước, chống áp bức, chống bất công. Với thái độ chân thành, gần gũi nên đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn thuyết phục mọi người, từ đó đã cảm hóa được nhiều nhân sĩ, trí thức tiêu biểu ủng hộ cách mạng đến cùng. Từ người giao liên, bảo vệ, đến những trí thức thượng lưu đều quý mến, sẵn sàng nghe theo sự hướng dẫn, hết lòng cộng tác và giúp đỡ đồng chí Huỳnh Tấn Phát. Nhiều nhân sĩ, trí thức ở Sài Gòn sẵn sàng từ bỏ cuộc sống vinh hoa, phú quý ra vùng căn cứ kháng chiến theo cách mạng, trong đó có cụ Lâm Văn Tiết, vợ chồng luật sư Trịnh Đình Thảo - Ngô Thị Phú...Thế nên, đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy đã kết án tử hình vắng mặt đồng chí Huỳnh Tấn Phát và các thành viên Ủy ban Trung ương Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, tịch thu toàn bộ gia sản.

Vốn xuất thân là một trí thức với tinh thần yêu nước cao độ, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát không chỉ nổi tiếng ở Sài Gòn mà còn có uy tín, sức ảnh hưởng đặc biệt lớn đối với đội ngũ trí thức nước nhà. Xác định được trách nhiệm của người trí thức từ thời còn trai trẻ, trong tâm khảm ông đã sớm ấp ủ hoài bão lớn và khát vọng cháy bỏng, muốn đem hết tài năng và trí tuệ để làm đẹp cuộc đời. Cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí Huỳnh Tấn Phát đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, chúng ta càng thêm trân trọng, tự hào và lòng biết ơn sâu sắc công lao của người cộng sản kiên cường, bất khuất. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là hình ảnh tiêu biểu cho trí thức yêu nước, đặt lợi ích đất nước lên trên lợi ích cá nhân, quyết tâm đi theo cách mạng. Chúng ta học tập ông những điều quý báu về nhân cách sống và hoạt động của người cách mạng, đó là: luôn phải giữ vững nguyên tắc trong quan điểm, đồng thời linh hoạt trong sách lược; luôn gắn bó với thực tiễn đất nước, đồng cảm, nhân ái với đồng bào, chiến sĩ; bình tĩnh lắng nghe, suy nghĩ, cân nhắc, giải quyết công việc hợp lý, vừa có lý luận vừa có thực tế và trên cơ sở tổng kết thực tiễn để không ngừng hoàn thiện chủ trương, chính sách đã vạch ra, nhằm đem lại kết quả thiết thực nhất cho cách mạng và Nhân dân.
Trân trọng và ghi nhớ công ơn to lớn của bao lớp người đi trước, nhắc nhở thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, không ngại khó khăn gian khổ, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, cũng phải vươn lên, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 


Tác giả bài viết: Ths.Phan Thị An Phú (Trường Chính trị Trần Phú)
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Hình ảnh hoạt động

Video hoạt động

Nhịp sống trẻ tháng 8: Để khi tốt nghiệp không còn nỗi lo thất nghiệp

Liên kết Website