Những năm gần đây, các hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lực lượng đoàn viên, thanh niên diễn ra rất tích cực, sôi nổi. Tiêu biểu là các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong thanh niên, như: cuộc thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; các chương trình cập nhật kiến thức, đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị; các chương trình thông tin, thời sự, các câu lạc bộ lý luận trẻ, trí thức trẻ...
Các phong trào hành động của Đoàn - Đội - Hội, như: “Phong trào tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”; “Phong trào thanh niên tình nguyện”; hoạt động giao lưu truyền thống, gặp gỡ với chứng nhân lịch sử, kể chuyện, đối thoại với thanh niên; “Hành trình đến với các địa chỉ đỏ”; các cuộc thi tìm hiểu sự kiện lịch sử; các chương trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, “Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ” đã tạo sức lan tỏa, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, góp phần bồi đắp lòng tự hào dân tộc, thu hút đông đảo người trẻ tham gia.
Trên mặt trận không gian mạng, Đoàn thanh niên các tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị đã thành lập các trang thông tin điện tử, fanpage, nhóm Facebook, Zalo... thường xuyên đăng tải, chia sẻ các văn bản chỉ đạo, định hướng thông tin; các bài viết, những mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt, việc tốt,… Chỉ riêng tại Hà Nội, 100% các cơ sở đoàn trực thuộc Thành đoàn đều đã thành lập và duy trì các fanpage, Facebook để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, với nhiều tuyến tin, bài sắc bén, đấu tranh phản bác kịp thời các tin đồn, luận điệu xuyên tạc...
Theo số liệu thống kê cho thấy ở nước ta, thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi chiếm khoảng 30% dân số. Đây là lực lượng có nhiều tiềm năng về sức khỏe, trí tuệ và khả năng thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, thanh niên cũng chính là một trong những trọng điểm tấn công của các thế lực thù địch. Lợi dụng những đặc điểm của tâm lý tuổi trẻ là dễ tiếp cận cái mới, thích tự do, khẳng định mình, nhưng đôi lúc việc nhận thức các vấn đề chính trị-xã hội còn không ít hạn chế, sai lầm.
Do đó các thế lực thù địch sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi hòng lôi kéo, xúi giục người trẻ có các hành vi chống đối, bất hợp tác với chính quyền, tham gia các hoạt động gây rối, làm mất an ninh trật tự. Đã xuất hiện tình trạng có những đoàn viên, thanh niên phai nhạt niềm tin, lý tưởng, mất phương hướng phấn đấu, không có chí lập thân, lập nghiệp; chạy theo lối sống thực dụng, thiếu trách nhiệm, thờ ơ với gia đình và xã hội, sa vào tệ nạn.
Thậm chí một số trí thức trẻ, sinh viên, học sinh bị ảnh hưởng, kích động đã hùa theo, đề cao cái gọi là “tự do ngôn luận”, “xã hội dân sự”, “dân chủ”, “nhân quyền”,… dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Đây là những hiện tượng, biểu hiện tiêu cực không thể chủ quan, coi thường, đòi hỏi phải kịp thời nhận diện đúng đắn để có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu và lên án mạnh mẽ. Bởi nó không chỉ đe dọa trực tiếp đến cuộc sống, tương lai của người trẻ mà còn đe dọa trực tiếp đến tương lai của đất nước.
Tại Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/10/2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đã nêu rõ: cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, nhằm nâng cao sức đề kháng, khả năng chủ động đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trên internet; biết khai thác, sử dụng internet một cách hiệu quả, thiết thực và lành mạnh.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông; vận dụng tổng hợp các hình thức tuyên truyền, kết hợp chặt chẽ với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, tuyên truyền đối ngoại, tuyên truyền trên internet, các mạng xã hội và các kênh truyền thông khác, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch...
Từ thực tiễn cho thấy thời gian tới cần tăng cường đẩy mạnh các giải pháp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên nhiều phương diện.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, về phía cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội cần phải có nhiều hình thức tập hợp thanh niên, tuyên truyền, phổ biến nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới với phương châm “nhận thức đúng, thông tin đủ, hành động nhanh, kết nối mạnh, lan tỏa rộng”.
Cần triển khai có hiệu quả các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chú trọng phổ biến, tuyên truyền trên internet, mạng xã hội và các kênh truyền thông khác những nội dung liên quan đến an ninh truyền thông, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhận diện kịp thời âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch...
Các hình thức tuyên truyền cần đổi mới, sáng tạo, linh hoạt gắn với đặc điểm thanh niên ở mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi vùng, miền để thu hút sự quan tâm, chú ý đồng thời giúp thanh niên hiểu đúng và ý thức được trách nhiệm của mình.
Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn thanh niên cần phải tích cực phát hiện, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong thanh niên, lan tỏa các thông tin tích cực theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” đạt chất lượng, hiệu quả cao.
Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền, đấu tranh trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đến với giới trẻ. Các cơ quan chức năng cần phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý những đối tượng chống đối, cơ hội, bất mãn chính trị đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, kích động trên internet, mạng xã hội.
Về phía các nhà trường, cần tăng cường giáo dục cho thanh niên những kiến thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thanh niên vững tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Cần tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, tập huấn kỹ năng cho thanh niên về việc nhận diện và đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng bởi đây là môi trường chống phá chính mà các thế lực đang lợi dụng triệt để.
Nhà trường cũng cần phối hợp chặt chẽ với gia đình, kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng của thanh niên; từ đó có những biện pháp, cách thức định hướng tư tưởng chính trị; không để các thế lực thù địch, phản động có cơ hội lôi kéo, mua chuộc thanh niên; kịp thời tuyên truyền, giáo dục, uốn nắn những thanh niên có biểu hiện tư tưởng lệch lạc, có xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Để phát huy vai trò của thanh niên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần tạo ra một môi trường sống, học tập, làm việc lành mạnh, hạn chế tối đa tác động tiêu cực từ các luồng thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, mỗi đoàn viên thanh niên cũng phải cần không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, tăng cường khả năng “miễn dịch”, nâng cao “sức đề kháng” trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các đối tượng xấu.
Trên “mặt trận” không gian mạng, mỗi thanh niên phải tận dụng triệt để sức trẻ, khả năng sáng tạo để tạo nên những sản phẩm thông tin về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng một cách đa dạng, mới mẻ, thu hút đông đảo công chúng.
Mỗi tài khoản mạng xã hội của mỗi đoàn viên thanh niên cần phải trở thành một nguồn thông tin tin cậy, lành mạnh, tuyệt đối không chạy theo các trào lưu, xu hướng tiêu cực; kịp thời phát hiện, cảnh báo cho cộng đồng về các trang cung cấp thông tin xấu, độc, giả mạo; phát hiện kịp thời các nguy cơ xâm hại đến nền tảng tư tưởng của Đảng, từ đó phối hợp các cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Ý kiến bạn đọc