Trang Facebook

Lượt người truy cập

  • Đang truy cập: 356
  • Khách viếng thăm: 349
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 18732
  • Tháng hiện tại: 1437665
  • Tổng lượt truy cập: 59247035
Tuổi trẻ Tỉnh Hà Tĩnh xung kích, năng động, sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng!
App thanh niên

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TRONG GIỮ GÌN, PHÁT HUY VÀ BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Đăng lúc: Thứ năm - 04/04/2024 08:18 - Người đăng bài viết: bantuyengiao
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐOÀN TNCS  HỒ CHÍ MINH TRONG GIỮ GÌN, PHÁT HUY VÀ  BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TRONG GIỮ GÌN, PHÁT HUY VÀ BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Giới thiệu đến quý vị độc giả, các bạn ĐVTN bài dự thi tham gia Cuộc thi viết chính luận về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TRONG GIỮ GÌN, PHÁT HUY VÀ BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
Loại hình: Tạp chí
Tóm tắt: Thanh niên là một bộ phận quan trọng, là vốn quý và thế mạnh trong chiến lược phát triển đất nước. Tuy nhiên, trước sự phát triển và xâm nhập nhanh chóng của mạng xã hội đã phần nào tác động đến đời sống, tư tưởng của đoàn viên thanh niên, nhất là việc các thế lực thù địch không ngừng lôi kéo, kích động, tuyên truyền, chống phá trên các lĩnh vực, bôi nhọ các giá trị văn hóa của dân tộc, làm cho một bộ phận thanh niên xa rời mục tiêu độc lập dân tộc và chủ ngĩa xã hội, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Từ thực tiễn đó, thời gian qua, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp đã không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh thiếu nhi, đặc biệt là việc giữ gìn, phát huy và bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa trên không gian mạng bằng những cách làm thiết thực, hiệu quả.
Từ khóa: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, giữ gìn, phát huy, bảo tồn văn hóa, không gian mạng,


Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát huy truyền thống 90 năm xây dựng tổ chức vững mạnh, toàn diện | Tạp chí Quản lý nhà nước
 
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”. Xuyên suốt quá trình dựng nước và giữ nước, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển. Đặc biệt, trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta không ngừng phát triển nhận thức và cụ thể hóa về nội dung, yêu cầu, phương hướng phát triển văn hóa, con người Việt Nam phù hợp với từng giai đoạn. Cụ thể như trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Điều đó một lần nữa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng khẳng định trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Văn hoá là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hoá còn thì Dân tộc còn…” và được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của Chính phủ với quan điểm xuyên suốt “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa phải được đặt ngang hàng và phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội; bảo đảm yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế; thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ mới, hiện đại…”.
Có thể thấy, các giá trị văn hóa được đúc kết, xây dựng và củng cố trong lịch sử phát triển lâu dài, được chiêm nghiệm, kiểm chứng, đi vào từng hành vi, nếp nghĩ của mỗi cá nhân cũng như trong tư duy, phương thức hành động của cả hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở mỗi quốc gia, dân tộc. Để tiến hành có hiệu quả một chiến lược lâu dài, bài bản cấp quốc gia nhằm giữ gìn, phát triển, quảng bá văn hóa dân tộc, bên cạnh vai trò của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, cá nhân thuộc nhiều thành phần, thì rất cần có sự nhập cuộc của những người trẻ. Với hơn 70% dân số nước ta sử dụng internet, trong đó đa số là thanh thiếu niên, đây là những người được tiếp cận sớm, thích ứng nhanh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, có ưu thế vượt trội trong việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ mới để tiếp tục lưu giữ, phát triển, quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam ra thế giới, đặc biệt là trên không gian mạng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, càng có điều kiện hòa mình vào thế giới văn minh của nhân loại, tuổi trẻ càng dễ trở nên bị mất phương hướng nếu không có bản lĩnh, thái độ, trình độ văn hóa cần thiết, thậm chí có thể tự đánh mất mình nếu không được hưởng thụ dưỡng chất văn hóa tốt đẹp của ông cha để lại. Từ thực tiễn đó đòi hỏi các cấp, các ngành không ngừng nỗ lực, sáng tạo, triển khai các giải pháp nhằm tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh niên, định hướng các giá trị, chuẩn mực về lối sống văn hóa, lành mạnh cho giới trẻ.


Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống - Báo Công an Nhân dân điện tử

Xác định vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đoàn trong việc định hướng, giáo dục đoàn viên thanh niên trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, thời gian qua, tổ chức Đoàn đã cụ thể hóa những quan điểm, tinh thần trong xây dựng và phát triển văn hóa thời kỳ mới, trong đó, tập trung triển khai 3 trọng tâm lớn là: Văn hóa trên không gian số, văn hóa biên cương và khởi nghiệp văn hóa, qua đó phát huy vai trò của đoàn viên thanh niên trong việc bảo tồn, chấn hưng, phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Các phong trào, chương trình, kế hoạch do Trung ương Đoàn ban hành đã được các cấp bộ Đoàn triển khai, cụ thể hóa, nhận được sự quan tâm tham gia nhiệt tình của các bạn đoàn viên, thanh thiếu niên, có thể kể đến như Cuộc thi trực tuyến “Tự hào Việt Nam”, Cuộc thi sáng tác video clip “Tinh hoa Việt Nam” trên nền tảng Tiktok, các chương trình văn hóa có tính giáo dục và nghệ thuật cao, như: “Hoa hậu Việt Nam”, “Duyên dáng Việt Nam”, “Khát vọng trẻ”, các hội diễn, liên hoan, festival tiếng hát học sinh, sinh viên, thiếu nhi… ; phối hợp triển khai các trò chơi dân gian, nghệ thuật truyền thống vào trường học và các địa bàn dân cư; tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên giao lưu, hợp tác với bạn bè quốc tế về văn hóa… Đặc biệt, chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát huy vai trò của thanh niên, những người sung sức nhất trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Triển khai đồng bộ các giải pháp “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Hà Tĩnh thời kỳ mới”“tâm trong”, “trí sáng”, “hoài bão lớn”; Cuộc vận động“Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” với tinh thần “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, qua đó tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi trong hướng tới các giá trị cao đẹp, sống có lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh vững vàng, có hoài bão và khát vọng vươn lên, sống đẹp, sống có ích, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; góp phần tạo ra trào lưu, xu hướng đăng tải, chia sẻ thông tin tích cực, xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện của thanh thiếu nhi; đồng thời tổ chức phản biện, đấu tranh trực diện với các thông tin tiêu cực, xấu độc trên không gian mạng.
Các cấp bộ Đoàn cũng đã tích cực xây dựng các ấn phẩm hiện đại để quảng bá thêm về các ngày lễ kỷ niệm của quê hương đất nước, các bậc danh nhân tiền bối cách mạng; tổ chức sâu rộng các đợt sinh hoạt chính trị thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia. Tham gia bảo tồn các di sản văn hoá, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc thông qua các hoạt động tham gia tu sửa, tôn tạo, bảo vệ, giữ gìn quan môi trường các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tại địa phương; chỉnh trang khuôn viên các tượng đài, nghĩa trang, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ. Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản thiên nhiên được UNESCO vinh danh là di sản thế giới, các công trình, sản phẩm công nhận; duy trì hoạt động của các câu lạc bộ, tổ đội, nhóm về văn hóa dân gian, võ thuật. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hoá, di tích lịch sử, cách mạng của quê hương, đất nước thông qua các hoạt động về nguồn, hành trình đến với địa chỉ đỏ; hát quốc ca tại các địa chỉ đỏ; tích cực ứng dụng công nghệ số vào việc quảng bá lưu giữ và giới thiệu các di tích lịch sử thông qua việc xây dựng bản đồ số các di tích lịch sử của Đoàn và thanh niên,“Mã QR tuyên truyền, quảng bá các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử - văn hóa” nhằm quảng bá, giới thiệu các di tích lịch sử của địa phương, quê hương, đất nước.
Từ những định hướng đúng đắn, sáng tạo và phù hợp, đoàn viên thanh niên
trở thành nhân tố tích cực trong việc truyền bá các giá trị truyền thống tốt đẹp, độc đáo, bản sắc văn hóa, con người Việt Nam, đưa hình ảnh Việt Nam vươn tầm thế giới. Đó sự sáng tạo của người trẻ trong cách thức truyền thông, quảng bá các dự án phục dựng, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật cổ trên nền tảng mạng xã hội. Những ý tưởng và mô hình khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống của thanh niên tạo nên sự thu hút mạnh mẽ đối với cộng đồng và gặt hái được những thành công bước đầu. Thông qua đó, không chỉ góp phần quảng bá những giá trị văn hóa của Việt Nam trên trường thế giới mà còn tạo nên những giá trị kinh tế to lớn từ những sản phẩm văn hóa. Tiêu biểu như: Tận dụng những công cụ có sẵn trên Facebook, YouTube, TikTok như khả năng đăng tải video, hình ảnh, bài viết và livestream, các nhóm nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật cổ đã truyền bá nhiều tác phẩm, sản phẩm đến với cộng đồng mạng. Có thể kể đến như YouTuber Quang Linh Vlog, chàng trai trẻ đã lan tỏa những giá trị văn hóa con người Việt Nam tại Châu Phi; TikToker Phạm Thị Thủy Tiên, người kể chuyện lịch sử qua từng nét vẽ… Hay như các nghệ sĩ trẻ đã thử nghiệm, kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, khai thác chất liệu văn hóa nghệ thuật truyền thống và văn học Việt Nam, “tái sinh” những tác phẩm cổ truyền theo phương thức mới, mang hơi thở thời đại đã thu hút được sự quan tâm, yêu thích của đông đảo người âm nhạc như ca sĩ Hoàng Thùy Linh với loạt tác phẩm có yếu tố dân gian, mang đậm màu sắc văn hóa Việt như “Để Mị nói cho mà nghe”, “Bánh trôi nước”, “Duyên âm”, “See tình”….; ca sỹ Hà Mio - nữ ca sỹ trẻ nổi lên như một hiện tượng âm nhạc được giới trẻ yêu thích khi “liều lĩnh” trở thành người đầu tiên dám kết hợp xẩm với rap và nhạc điện tử EDM.
Không chỉ dừng lại ở việc say mê và lan tỏa văn hóa dân gian, nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp bằng việc phục dựng các di sản. Trong lĩnh vực thiết kế thời trang, nhiều nhóm cổ phục đã ra đời, thổi một “làn gió mới” vào sàn catwalk, phim ảnh, MV… Đi đầu là nhóm Đại Việt Cổ Phong với các bạn trẻ đam mê tìm hiểu về văn hóa cổ Việt Nam. Sau Đại Việt Cổ Phong, nhiều hội nhóm, thương hiệu cổ phục nối tiếp ra đời như: Nguyên Phong Đoạn Lĩnh, Thủ Phất Thanh Đài, Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi, Đại Nam Hội Quán, Ỷ Vân Hiên, Vietnam Centre… cùng nhiều hoạt động gây được tiếng vang. Điển hình như Vietnam Centre tập hợp các du học sinh tại Australia với sứ mệnh quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Nhóm đã tổ chức nhiều hoạt động hội thảo, triển lãm, phục dựng phục trang cổ Việt và in sách. Đáng chú ý là dự án “Dệt nên triều đại” trình diễn trang phục và tái dựng nghi lễ sắc phong hoàng thái hậu thời Hậu Lê đã gây sự chú ý không chỉ của người Việt trong nước, người Australia mà nhất là thế hệ trẻ của cộng đồng người Việt tại nước này về một phần lịch sử văn hóa Việt. Ngoài ra, trên mạng xã hội cũng ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm dạng phim ngắn, serie phim ngắn, phim sitcom do các bạn trẻ sản xuất với những tình huống thú vị, mang lại những bài học ý nghĩa trong cuộc sống; những sản phẩm phim đồ hoạ 3D, 4D, hoạt hình hấp dẫn, giới thiệu về các triều đại lịch sử của dân tộc; Các phong tục, tập quán, lễ hội Việt Nam; Những video trải nghiệm văn hóa, phong tục tập quán, ẩm thực…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong lĩnh vực văn hóa, có thể thấy rằng những thay đổi về cách thức giao tiếp, thông tin và văn hóa trên Internet cũng đặt con người và văn hóa xã hội gặp nhiều nguy hiểm, bất trắc, khó lường... Chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong các lĩnh vực an ninh mạng, an ninh văn hóa, an ninh con người, an ninh phi truyền thống, quyền sở hữu trí tuệ, tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia... Các phương tiện truyền thông xã hội, mạng viễn thông, Internet tạo thuận lợi cho giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời cũng là nơi diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ thể chế chính trị, an ninh quốc gia, an ninh văn hóa, an ninh con người... Đặc biệt, nhận thấy vị trí, vai trò quan trọng của thế hệ trẻ đối với quá trình đổi mới, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách thực hiện những âm mưu, thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực văn hóa đối với thanh niên như truyền bá, tiêm nhiễm các sản phẩm văn hóa ngoại lai có tính chất xấu độc, làm xói mòn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để tác động vào tâm lý, sở thích, kích thích những ham muốn vật chất của thanh niên và nhân dân; từng bước làm thay đổi các thang giá trị xã hội, đạo đức, lối sống, làm cho một bộ phận người trẻ nhận thức không đầy đủ về trách nhiệm cộng đồng. Từng bước phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, coi văn hóa là tự do sáng tạo, không cần tính định hướng và xa rời chính trị; từ lĩnh vực văn hóa chuyển hóa dần sang lĩnh vực chính trị, hình thành ý thức chống đối về chính trị, chống lại chủ trương, đường lối của Đảng và chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa.


Infographic – Văn hóa ứng xử trên không gian mạng-Đoàn Thanh Niên - Hội Sinh Viên - Trường Đại Học Thủ Dầu Một

Từ thực tiễn đó, đòi hỏi tổ chức Đoàn không ngừng triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm bảo vệ nền văn hóa dân tộc trên không gian mạng, trong đó cần tập trung triển khai một số giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, tập trung đổi mới căn bản công tác tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh thiếu niên về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong việc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, thanh niên nhận thức rõ vai trò của văn hóa và giữ gìn bản sắc văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chú trọng đầu tư xây dựng các sản phẩm tuyên truyền hiện đại, hấp dẫn, thu hút, có sức thuyết phục cao đối với thanh niên; thường xuyên tổ chức các chiến dịch truyền thông theo các nhóm vấn đề; triển khai hiệu quả các phần mềm, ứng dụng, cuộc thi trực tuyến, game vào công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Đẩy mạnh đổi mới nội dung và hình thức các hoạt động tuyên truyền quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về văn hóa cũng như về yêu cầu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Thứ hai, tiếp tục sáng tạo không ngừng để xây dựng các sản phẩm văn hóa mới có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao trên nền tảng văn hóa truyền thống và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; không ngừng khuyến khích các văn nghệ sĩ lưu hành rộng rãi trên mạng các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị cao, có sức lan tỏa, hướng con người tới Chân - Thiện - Mỹ. Có các hình thức phù hợp khơi dậy ý thức trách nhiệm, lòng tự hào dân tộc để dần dần loại bỏ những đánh giá tiêu cực của các tổ chức quốc tế về ứng xử thiếu văn minh trên mạng của người Việt Nam. Đối với những hành xử vô văn hóa, những biểu hiện “lệch chuẩn”, rất cần có sự phản biện tích cực của dư luận xã hội, đề cao vai trò của người đứng đầu, quản trị viên các diễn đàn, website, fanclub…
Thứ ba, tạo nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích, đồng hành với thanh niên trong lĩnh vực chinh phục ngành công nghiệp văn hóa, quảng bá những người thành công trong lĩnh vực văn hóa thực chất, xây dựng cộng đồng kết nối các doanh nghiệp và đoàn viên thanh niên trong việc phát triển công nghiệp văn hóa. Huy động sự hỗ trợ các cấp, cách ngành, các nguồn lực tham gia hỗ trợ công tác văn hóa.
Thứ tư, tranh thủ cơ hội, ưu thế của cách mạng thời kỳ phát triển tiến bộ để tăng cường giáo dục ý thức tự giác của thanh niên trong quá trình tự rèn luyện đạo đức cách mạng một cách thường xuyên, liên tục; tiếp tục kiên trì triển khai đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng an toàn, hiệu quả; giám sát, bảo vệ, ngăn chặn, xử lý thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng ảnh hưởng tiêu cực đến thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; triển khai tổ chức hiệu quả các cuộc vận động trên không gian mạng; xây dựng, nâng cấp, vận hành, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các kênh thông tin trên không gian mạng; xây dựng các sản phẩm truyền thông hiện đại phục vụ công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng. Thành lập các tổ chức Đoàn, Hội, các cuộc thi trên không gian mạng, tổ chức các cuộc thi sáng tạo trên không gian mạng giúp cho giới trẻ được trải nghiệm về tư tưởng văn hóa dân tộc, đẩy mạnh các cuộc thi tìm kiếm về nét đẹp văn hóa Việt Nam về mọi mặt. Đẩy mạnh các kênh định hướng tư tưởng cho đoàn viên thanh niên, tham gia tương tác thường xuyên với ứng dụng Thanh niên Việt Nam.
Thứ năm, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, nhất là các cơ quan báo chí, xuất bản của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ. Chú trọng khai thác, đẩy mạnh sử dụng có hiệu quả các phương tiện truyền thông hiện đại, thành tựu khoa học - công nghệ, nhất là internet trong công tác giáo dục thanh thiếu nhi.
Thứ sáu, tập trung việc hình thành và phát triển các kỹ năng nhận diện, xử lý, làm chủ thông tin và các công cụ, phương tiện kỹ thuật trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa trên không gian mạng cho thanh thiếu nhi; chủ động sàng lọc, nhận diện được các thông tin “xấu”, “độc”, tiếp nhận thông tin tích cực trên không gian mạng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần xây dựng thế hệ trẻ có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh vững vàng, giàu lòng yêu nước, có tri thức, văn hóa, có ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm với cộng đồng, có ước mơ, hoài bão, khát vọng và kỹ năng hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số hóa.
Văn hóa là hồn cốt dân tộc, nhận diện những luận điệu xuyên tạc, bài xích văn hóa truyền thống do các thế lực thù địch tiến hành trên không gian mạng là nhiệm vụ hết sức cần thiết của toàn xã hội nói chung và thế hệ trẻ nói riêng nhằm góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần vững chắc, luôn “soi đường cho quốc dân đi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định.
 
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998;
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2001;
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011;
4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011;
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2016;
6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2020;
7. Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.
8. Bài phát biểu của đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại Hội nghị văn hóa năm 2022.


Tác giả bài viết: Ban Tuyên giáo tổng hợp
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Hình ảnh hoạt động

Video hoạt động

Nhịp sống trẻ tháng 8: Để khi tốt nghiệp không còn nỗi lo thất nghiệp

Liên kết Website