Trang Facebook

Lượt người truy cập

  • Đang truy cập: 173
  • Hôm nay: 29473
  • Tháng hiện tại: 318907
  • Tổng lượt truy cập: 42845490
Tuổi trẻ Tỉnh Hà Tĩnh xung kích, năng động, sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng!
App thanh niên

Nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp “xanh” được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn hỗ trợ vốn vay trong năm 2023

Đăng lúc: Thứ tư - 18/10/2023 22:46 - Người đăng bài viết: Phạm Tú
Nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp “xanh” được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn hỗ trợ vốn vay trong năm 2023

Nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp “xanh” được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn hỗ trợ vốn vay trong năm 2023

Nhằm đồng hành, hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức rà soát và hỗ trợ các dự án, mô hình kinh tế thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mô hình Tổ hợp tác sản xuất rau hữu cơ bảo vệ môi trường do đồng chí Phạm Quốc Vọng làm tổ trưởng tại thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn
Với trăn trở về việc sản xuất rau sạch cung cấp cho thị trường, sau nhiều năm ấp ủ, vào đầu năm 2023, đồng chí Phạm Quốc Vọng đã cùng với 02 thành viên khác thành lập nên Tổ hợp tác (THT) sản xuất rau hữu cơ trên diện tích đất gần 2 ngàn m2 tại thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn. THT đã bố trí từng lô, khoảnh để trồng các loại rau, củ quả theo mùa. Trong đó, nhiều nhất vẫn là các giống: Dưa hấu, dưa chuột, Lê Hàn Quốc và các loại rau tùy vào các mùa trong năm.
 

Vườn dưa hấu của THT sản xuất rau hữu cơ thị trấn Phố Châu đang bắt đầu cho ra quả
 
​Ngoài số tiền bỏ ra hàng chục triệu đồng mỗi năm để thuê đất, tích tụ ruộng đất của bà con nông dân, mô hình cũng đã được đầu tư trên 100 triệu đồng để xây dựng hệ thống nhà lưới và phân bón, giống để sản xuất rau củ quả; đặc biệt việc canh tác trong nhà lưới góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhận thấy nhu cầu vốn của mô hình là rất lớn, ngày 05/8/2023, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức trao Quyết định cho vay vốn mô hình THT sản xuất rau hữu cơ với số tiền 50 triệu đồng (lãi suất ưu đãi 3%/năm)

Đồng chí Từ Tuấn Phương, UVBTV, Trưởng Ban Phong trào Tỉnh đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTNVN tỉnh trao Quyết định hỗ trợ vốn vay cho THT sản xuất rau hữu cơ thị trấn Phố Châu


Quyết định số 73-QĐ/TĐTN-PT ngày 31/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn v/v cho vay vốn Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Hà Tĩnh đối với dự án THT sản xuất rau hữu cơ do đồng chí Phạm Quốc Vọng làm chủ dự án

 
Điều đặc biệt là, quy trình sản xuất hoàn toàn tự nhiên, sử dụng chế phẩm sinh học an toàn và phân bón hữu cơ vi sinh do THT tự sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, do vậy, sản phẩm xuất ra thị trường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng tốt. Hiện tại, với quy mô 2 ngàn m2 không đủ cung cấp cho việc tiêu thụ tại chỗ. Vì vậy, THT dự định sẽ tiếp tục liên kết với các hộ dân có đất nông nghiệp gần kề mở rộng quy mô sản xuất, vừa nâng cao thu nhập, vừa đảm bảo cung cấp sản phẩm sạch ra thị trường.
 
Dự án “Sản xuất hương trầm bảo vệ môi trường” do đồng chí Đặng Danh Quốc làm chủ tại thôn Trà Dương, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc
Bén duyên với nghề làm hương truyền thống từ năm 2017, dù đã đầu tư số vốn lớn nhưng mô hình gặp khó khăn, không có thương hiệu, thị trường thiếu ổn định. Nhận thấy ở địa phương có cây dó trầm là tài nguyên phong phú, chất lượng vượt trội nên anh Đặng Danh Quốc (thôn Trà Dương, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc) đã quyết định thực hiện Dự án sản xuất hương trầm, tận dụng phụ phẩm từ cây dó trầm, vừa tránh ô nhiễm môi trường vừa tránh thất thoát một lượng lớn tinh dầu.
 

Trầm hương từ mô hình của anh Nguyễn Danh Quốc tận dụng phụ phẩm từ cây dó trầm, tránh ô nhiễm môi trường, thu hút thị hiếu của khách hàng
 
Với mong muốn tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương để phát triển sản xuất, dự án đã đầu tư máy móc sản xuất hương quế, hương trầm bảo đảm chất lượng.Trong quá trình sản xuất, chỉ sử dụng những nguyên liệu từ thiên nhiên, không ngâm tẩm hóa chất để bảo đảm sức khỏe con người và hạn chế ô nhiễm môi trường không khí. Qua đó, dự án đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 07 lao động, với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi tháng, sản xuất khoảng 5 tạ hương quế, 1 tạ hương trầm với các sản phẩm chính là hương nụ, hương vòng, hương cây.
 

Ngày 11/4/2023, Ban Thường vụ đã ban hành Quyết định số 40-QĐ/TĐTN-PT v/v phê duyệt cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đối với dự án Sản xuất hương trầm bảo vệ môi trường của đồng chí Đặng Danh Quốc
 
Dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường “Trồng và sản xuất chổi đót” do đồng chí Nguyễn Trọng Duật làm chủ tại thôn 8, xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn
Năm 2009, khi đang học tại Trường Cao đẳng Xây dựng (Hà Nội), anh Duật thường đến nhà mẹ nuôi Nguyễn Thị Hồng (SN 1965, huyện Quốc Oai - TP Hà Nội) chơi và được bà truyền nghề làm chổi đót. Năm 2012 ra trường, Duật theo đuổi công việc đúng ngành nghề đã học nhưng rồi nhận thấy không “có duyên” nên anh quyết định dừng lại tìm hướng rẽ khởi nghiệp khác. Năm 2013, sau khi nên duyên vợ chồng với chị Nguyễn Thị Bích Phượng (SN 1995, xã Thường Nga, huyện Can Lộc), nắm bắt nhu cầu tiêu thụ chổi đót ngày càng nhiều, trong khi nguồn nguyên liệu khá dồi dào, đôi vợ chồng trẻ quyết định khởi nghiệp bằng nghề làm chổi đót ngay tại quê hương của mình - thôn 8, xã Sơn Trường với mô hình Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh chổi đót Hương Sơn.
 

Mỗi tháng, HTX sản xuất 15.000 sản phẩm, doanh thu đạt 450 triệu đồng/ tháng.
 
Nguyên liệu làm chổi đót (cây đót, nứa) khá dồi dào ở các địa phương huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang nên sản xuất rất ổn định, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng đặt hàng với số lượng lớn. Hơn nữa, đây là sản phẩm hoàn toàn làm bằng thủ công lại thân thiện với môi trường nên không chỉ người dân nông thôn mà người thành phố cũng rất ưa chuộng.

Ngày 11/10, thừa ủy quyền của BTV Tỉnh đoàn, Huyện đoàn - Hội LHTN Việt Nam huyện Hương Sơn tổ chức Lễ trao quyết định hỗ trợ vốn vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm kênh Trung ương Đoàn cho MHKT thanh niên Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh chổi đót do anh Nguyễn Trọng Duật


Quyết định số 87-QĐ-TĐTN-PT ngày 22/9/2023 của BTV Tỉnh đoàn v/v phê duyệt cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đối với sự án trồng và sản xuất chổi đót

 
Ở thời điểm hiện tại, bình quân, mỗi tháng, HTX sản xuất ra 15.000 sản phẩm với giá bán dao động từ 24.000 - 35.000 đồng/chổi, doanh thu đạt 450 triệu đồng/tháng. HTX còn tạo việc làm ổn định cho 30 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Dự án “Trồng nấm rơm công nghệ cao bảo vệ môi trường” do đồng chí Trần Sỹ Lộc làm chủ tại thôn Quần Ngọc, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc

Ngày 05/8, hưởng ứng Ngày sáng tạo, khởi nghiệp và tham gia chuyển đổi số năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức trao Quyết định vốn vay từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm kênh Trung ương Đoàn cho Dự án "trồng nấm rơm công nghệ cao bảo vệ môi trường" cho đồng chí Trần Sỹ Lộc tại huyện Can Lộc với số tiền 50 triệu đồng.

Đồng chí Đặng Quốc Vũ, UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn trao Quyết định vốn cho Dự án trồng nấm rơm của đồng chí Trần Sỹ Lộc với số tiền 50 triệu đồng


 
Sau khi đi nhiều nơi học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, đồng chí Trần Sỹ Lộc (xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc) quyết định về quê, phát triển mô hình trồng nấm rơm trong nhà với kỹ thuật của riêng mình. Lúc bấy giờ, trại nấm được thiết kế theo dạng trụ, tổng diện tích 135m2. Thay vì áp dụng cách làm truyền thống, cả 2 sử dụng tro phủ lên trên, giữ ẩm cho bề mặt mô nấm. Thấy hiệu quả mang lại của mô hình trồng nấm rơm trong nhà bằng kỹ thuật mới, anh Lộc đầu tư thêm nhà trồng nấm với diện tích 200m2, chia làm 3 nhà trồng với 6 vách ngăn. Cách làm này giúp quản lý, kiểm soát nhiệt độ, ẩm độ và nấm bệnh khác.
 

Trồng nấm rơm trong nhà theo hướng ứng dụng công nghệ cao của anh Trần Sỹ Lộc có nhiều ưu điểm hơn so với cách trồng nấm rơm ngoài trời
 
Nổi bật của mô hình là chủ động điều chỉnh được ẩm độ, nhiệt độ, tiết kiệm diện tích chất mô, không phụ thuộc vào thời tiết như trồng nấm rơm ngoài trời. Ngoài ra, sau vụ thu hoạch, việc dọn dẹp trụ rơm trồng nấm dễ dàng, thu hoạch nấm cũng thuận tiện. Nấm trồng trụ nên mọc ra phía bên ngoài, người sản xuất nhẹ nhàng hái nấm ra khỏi trụ rơm, không phải tốn công vạch rơm tìm nấm như cách trồng truyền thống; nấm rơm trắng tinh, ăn có mùi thơm và vị ngọt thanh…

Các trụ rơm được sắp xếp giúp người sản xuất dễ dàng trong việc thu hoạch nấm
 

Đồng thời, giúp vệ sinh môi trường đồng ruộng, hạn chế việc đốt rơm, rạ gây ô nhiễm môi trường, tạo nguồn phân bón hữu cơ cho hoa màu và cải tạo đất, góp phần tích cực vào chu trình chuyển hóa vật chất. Lượng phụ phẩm từ mô hình trồng nấm rơm còn được anh Lộc lên ý tưởng tận dụng để phát triển thành giá thể trồng dưa lưới trong nhà màng. Với cách làm này, có thể tận dụng tối đa nguồn lợi thu được từ phụ phẩm nông nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp khép kín từ nguyên liệu sẵn có. Đến nay, mô hình đã cho thu hoạch được 536kg nấm thương phẩm với giá bán 75.000 - 80.000 đồng/kg, tổng thu nhập được 40,2 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, tổng lợi nhuận thu được trên 28 triệu đồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Quyết định số 72-QĐ/TĐTN-PT ngày 31/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phê duyệt dự án vay vốn từ Nguồn vốn 120
 
Dự án “Trồng, bảo tồn cây sim rừng và sản xuất rượu sim OCOP” do đồng chí Phan Quốc Đạt làm chủ dự án tại xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên
Sinh ra ở vùng núi rừng Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ), tuổi thơ với những ngày hè rong ruổi trên từng chân núi, đỉnh đồi, anh Phan Khắc Đạt (SN 1991) hiểu rõ về tiềm năng của sim rừng nơi đây. Lớn lên, anh Đạt luôn nung nấu ý định khởi nghiệp, làm giàu từ cây sim rừng. Nghĩ là làm, anh vào mạng Internet tìm kiếm thông tin về sản xuất rượu sim và đi nhiều cơ sở sản xuất rượu trong, ngoài tỉnh học hỏi kinh nghiệm. Sau quá trình tích lũy kiến thức, tháng 7/2022, anh Đạt bắt tay vào sản xuất thử nghiệm rượu sim rừng Kẻ Gỗ. 
 

Ngày 05/8, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã về dự Lễ ra mắt và trao vốn vay từ Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Hà Tĩnh cho Dự án của anh Phan Quốc Đạt (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên)

Trên diện tích hơn 200 m2 của gia đình, đầu năm 2023, anh Phan Khắc Đạt đã mạnh dạn đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng cơ sở sản xuất rượu theo công nghệ hiện đại, ứng dụng công nghệ trong thu gom xử lý rác . Với hệ thống tủ nấu cơm, nồi chưng cất, máy khử andehit… chu kỳ mỗi lần sản xuất (15 - 20 ngày), cơ sở của anh Đạt cho ra lò khoảng 100 lít rượu trắng.
Anh Phan Khắc Đạt cũng đang gián tiếp “thắp lửa” khởi nghiệp cho người dân địa phương khi nhiều người đã nhân giống cây sim trên vùng đồi về trồng tại vườn để nâng cao thu nhập. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cùng với chính quyền địa phương đang hỗ trợ anh Đạt xây dựng cơ sở sản xuất rượu sim rừng Kẻ Gỗ theo chương trình OCOP, góp phần khai thác thế mạnh sim rừng cũng như khuyến khích người dân trồng cây sim nâng cao thu nhập, góp phần bảo vệ môi trường, chống xói mòn, sạt lở đất rừng.
Số tiền vốn 50 triệu đồng từ Nguồn Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Hà Tĩnh được trao cho Dự án bảo vệ môi trường với lãi suất ưu đãi 3%/năm
 
Bên cạnh việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các mô hình khởi nghiệp bảo vệ môi trường, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp như tổ chức các chương trình tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt theo hướng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; các chương trình, Diễn đàn, hội nghị tập huấn hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm của mô hình kinh tế thanh niên thông qua các sàn thương mại điện tử, các câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế…
 

Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp Trung ương Đoàn tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên, tiếp nhận nguồn vốn vay 01 tỷ đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm 


Tạo môi trường, cơ hội để các chủ mô hình kinh tế thanh niên tham gia các diễn đàn, trao đổi các nhu cầu, nguyện vọng trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp...
 
Tác giả bài viết: Ban Phong trào
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Hình ảnh hoạt động

Video hoạt động

Nhịp sống trẻ tháng 8: Để khi tốt nghiệp không còn nỗi lo thất nghiệp

Liên kết Website