Trang Facebook

Lượt người truy cập

  • Đang truy cập: 140
  • Khách viếng thăm: 132
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 34695
  • Tháng hiện tại: 324129
  • Tổng lượt truy cập: 42850712
Tuổi trẻ Tỉnh Hà Tĩnh xung kích, năng động, sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng!
App thanh niên

Tìm lại nụ cười trên đôi môi khuyết

Đăng lúc: Thứ tư - 02/11/2022 05:17 - Người đăng bài viết: Đặng Quốc Vũ
Tìm lại nụ cười trên đôi môi khuyết

Tìm lại nụ cười trên đôi môi khuyết

Hành trình đi tìm mảnh ghép chưa hoàn thiện cho những đứa trẻ dị tật khe hở môi, vòm miệng và hàm mặt đòi hỏi sự kiên nhẫn, bền bỉ. Xen lẫn trong hành trình đó có những giọt nước mắt đớn đau hòa chung với niềm hy vọng, hạnh phúc.

Hạnh phúc muộn của cô giáo mầm non
Vợ chồng cô Huỳnh Thu Thủy (58 tuổi ở thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa - tỉnh Quảng Ngãi) lấy nhau nhiều năm nhưng không có con. Trong một lần đi làm về, cô Thủy nghe tiếng khóc của trẻ sơ sinh. Đi theo tiếng khóc đó, cô phát hiện một bé gái bị bỏ rơi trong nhà vệ sinh. Lúc này, bé gái bị kiến bu đầy người, trên khuôn mặt không có miệng, không có môi.
Thấy vậy, cô Thủy bế bé gái về nhà tắm rửa, chăm sóc chờ ổn định sức khỏe rồi chuyển đến trại trẻ mồ côi. Tuy nhiên, sau thời gian chăm sóc, tình thương của người phụ nữ luôn khát khao có một đứa con để chăm bẵm đã trỗi dậy. Cô Thủy bàn với chồng đi làm thủ tục nhận nuôi bé gái và đặt tên là Trần Hoàng Bảo Ân.
Dẫu chưa từng làm mẹ, nhưng bằng kinh nghiệm chăm sóc trẻ của một cô giáo mầm non, cô Thủy đã tần tảo thức khuya, dậy sớm thay tã, bón sữa cho Ân. Cô nhớ lại: “Ân sinh ra không có miệng, do vậy không thể ăn uống bình thường như bao đứa trẻ khác. Mỗi lần ăn, tôi phải đặt con nằm ngửa, bón từng thìa”.
Không chỉ gặp khó khăn trong ăn uống, căn bệnh còn khiến Ân thường xuyên ốm đau, hay nôn trớ. Thấy được những khó khăn của con, khi sức khỏe của Ân đã ổn định, vợ chồng cô Thủy đưa con lên thành phố khám. “Bác sĩ cho biết Ân bị hở hàm ếch. Nếu không được phẫu thuật, sau này cháu sẽ rất khó phát âm và giao tiếp với mọi người. Tuy nhiên, dị tật hở hàm ếch và những vấn đề về phát âm có thể chữa được nhưng gia đình phải kiên trì, thực hiện các cuộc phẫu thuật kéo dài trong nhiều năm”, cô Thủy kể.
Từ đó, hành trình tìm lại nụ cười, giọng nói cho Ân bắt đầu.



Cô Thủy kể lại: “Nhiều lần đưa con đi viện khiến cho vợ chồng tôi kiệt quệ. Không còn tiền, tôi theo dõi thông tin trên báo chí, ở đâu hỗ trợ phẫu thuật miễn phí cho trẻ dị tật hở hàm ếch liền liên lạc xin cho con được phẫu thuật”.
Dù trải qua ba lần phẫu thuật nhưng những ngày tháng mới đi học của Trần Hoàng Bảo Ân không hề dễ dàng. Ân trải lòng: “Quá trình học em hiểu bài, muốn phát biểu nhưng giao tiếp khó khăn không thể truyền tải được. Không những vậy, khi đến trường phải chịu những ánh mắt kỳ thị của bạn bè, bị nhại lại giọng nói khiến em thu mình lại, ngại giao tiếp”.
Lên 12 tuổi, Ân thực hiện tiếp lần phẫu thuật thứ 4, đây là lần phẫu thuật quan trọng đánh dấu bước ngoặt lớn trong hành trình 20 năm đi tìm giọng nói, nụ cười. Phẫu thuật thành công, Ân được bác sĩ dạy cách uốn lưỡi, nhả chữ, lấy hơi, tập phát âm theo bảng chữ cái.
Sau 9 lần phẫu thuật, giờ đây miệng của Ân đã hoàn chỉnh, tuy nhiên hành trình tập nói vẫn chưa dừng lại.
Kết thúc hành trình hơn 20 năm đi tìm giọng nói cho con gái, cô Thủy vẫn nhớ như in lần đầu tiên con gọi tiếng mẹ tròn vành rõ chữ. “Tôi hạnh phúc vô cùng. Tôi từng nói, nếu cho chọn một cục vàng hoặc chọn giọng nói của con, tôi sẽ chọn giọng nói”, cô Thủy trải lòng.
Giờ đây, khi đã lấy lại được sự tự tin, Ân nỗ lực làm việc tại trường mầm non tư thục đồng thời tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện. Năm 2021 khi tổ chức Operation smile tiếp tục hành trình tìm nụ cười ở Quảng Ngãi, Ân xin làm tình nguyện viên hỗ trợ các em nhỏ trong quá trình phẫu thuật.



Hành trình dài của những thiên thần nhỏ
Phan Thị Huyền Trang (11 tuổi, ở huyện Thạch Hà - Hà Tĩnh) khi sinh ra đã mang trong mình khiếm khuyết hở hàm ếch. Trang không thể tự bú sữa mẹ, phải dùng sữa ngoài. Thấy con khó khăn trong việc ăn uống, chị Trần Thị Hường cùng chồng chạy khắp nơi, hỏi han để chữa bệnh cho con. Khi Trang được ba tháng tuổi, chị Hường cùng chồng đưa con ra thành phố Vinh (Nghệ An) nhờ can thiệp. “Lần đầu tiên đưa con gái đi phẫu thuật tôi phải vay tiền từ dự án nước sạch. Sau lần can thiệp đó, con có thể tự bú bình, không còn phải nằm để bón như trước, niềm hi vọng về đôi môi hoàn chỉnh được thắp sáng trong con và gia đình”, chị Hường bộc bạch.
Dù đôi môi dần hoàn chỉnh nhưng Huyền Trang vẫn gặp không ít khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt khi đi học bị trêu chọc là sứt môi, méo miệng, Trang đòi nghỉ học, không chịu đến trường. Những lúc như vậy, chị Hường phải nhờ cô giáo động viên. Năm 11 tuổi, Trang trải qua ba lần phẫu thuật, sau mỗi lần hành trình tập nói của Trang bắt đầu. “Mệt, đau nhưng đi qua những ngày đó em lại nói rõ hơn, tự tin giao tiếp với bạn bè nên cố gắng chịu đựng”, Trang chia sẻ.
Cùng chung hành trình tìm lại giọng nói với Trang là Bình Thắng (11 tuổi ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Cuộc phẫu thuật tại Bệnh viện E (Hà Nội) là lần thứ 5 của em. Trước đó, nhiều lần Thắng được gia đình đưa đến viện nhưng phải quay về vì không đủ sức khỏe thực hiện phẫu thuật.
Thắng may mắn hơn Trang khi không bị ngọng, đến trường được các bạn thấu hiểu, cảm thông cho những khiếm khuyết mà em gặp phải. Thắng chia sẻ: “Em được thầy, cô giáo và các bạn rất quan tâm. Tuy nhiên trong suy nghĩ, em vẫn tự ti với khiếm khuyết của mình và ước được bình thường như các bạn”.
 
 


Tác giả bài viết: Báo Giáo dục thời đại
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Hình ảnh hoạt động

Video hoạt động

Nhịp sống trẻ tháng 8: Để khi tốt nghiệp không còn nỗi lo thất nghiệp

Liên kết Website