Trang Facebook

Lượt người truy cập

  • Đang truy cập: 125
  • Hôm nay: 49795
  • Tháng hiện tại: 345088
  • Tổng lượt truy cập: 42871671
Tuổi trẻ Tỉnh Hà Tĩnh xung kích, năng động, sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng!
App thanh niên

Bác Hồ với thiếu nhi Việt Nam và thế giới

Đăng lúc: Thứ bảy - 01/06/2019 04:53 - Người đăng bài viết: Đặng Quốc Vũ
Bác Hồ với thiếu nhi Việt Nam và thế giới

Bác Hồ với thiếu nhi Việt Nam và thế giới

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất yêu quý thiếu niên, nhi đồng. Người đã dành muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu nhi, chủ nhân tương lai của đất nước.
7mx5_21a
Bác Hồ với thiếu nhi Liên Xô. Ảnh: Tư liệu

1. Năm 1941, sau 30 năm xa Tổ quốc, Bác trở về nước. Mặc dù Người rất bận rộn với nhiều công việc đại sự của đất nước, nhưng vẫn thường xuyên quan tâm đến phong trào thiếu nhi. Ngày 15-5-1941, tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Đội Thiếu niên Tiền phong, Hội Nhi đồng cứu vong được thành lập với 5 đội viên đầu tiên là: Nông Văn Dền, bí danh Kim Đồng; Nông Văn Thàn, tức Cao Sơn; Lý Văn Tịnh, tức Thanh Minh; Lý Thị Ni, tức Thủy Tiên và Lý Thị Xậu, tức Thanh Thủy. Nông Văn Dền (tức Kim Đồng) được bầu làm Đội trưởng đầu tiên. Các thành viên của Đội đã làm lễ tuyên thệ suốt đời trung thành với Đảng, tuyệt đối giữ bí mật, cho dù phải hy sinh đến tính mạng cũng không phản bội lại nhân dân, phản bội lại cách mạng.

Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai giảng đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, Bác đã viết: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu".

Tháng 2-1948, dù đang bộn bề việc nước, nhưng Bác vẫn luôn theo sát phong trào thiếu nhi. Bác căn dặn: "Các cháu tổ chức những đội Trần Quốc Toản... Trước thì giúp những nhà chiến sĩ, nhà thương binh, lần lượt giúp những nhà ít người. Sức các cháu làm được việc gì thì giúp việc ấy. Thí dụ, quét nhà, gánh nước, lấy củi, xay lúa, giữ em, dạy chữ quốc ngữ... Các cháu nên hiểu rắng: Giúp đỡ đồng bào tức là tham gia kháng chiến... luyện tập tinh thần siêng năng và bác ái để sau này trở thành công dân tốt...".

Báo Sự Thật số 134, ra ngày 1-6-1950, đăng bức thư của Bác gửi thiếu nhi toàn quốc nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi. Trong thư, Bác viết: "Các cháu yêu quý! Ngày 1-6 là ngày của các cháu bé khắp cả các nước trên thế giới. Đáng lẽ tất cả các cháu đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ con ở Liên Xô. Song ở các nước tư bản, cha mẹ là người lao động bị bóc lột, thì trẻ con cũng bị bóc lột, phải chịu cực khổ. Ví dụ: Mỹ là một nước nhiều tiền bạc nhất, có những nhà đại phú, ngồi mát ăn bát vàng. Nhưng con nhà lao động thì lên 5, lên 6 tuổi đã phải đi làm thuê, làm mướn. Ở nước Việt Nam ta thì, vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết người, cướp của. Vì vậy, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến". Tiếp đó, trong thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc vào ngày 25-8-1950, Bác viết: "Trẻ em như búp trên cành, biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan".

Báo Cứu quốc số 1828, ngày 29-5-1951, trong "Thư gửi nhi đồng toàn quốc nhân ngày Quốc tế thiếu nhi", mở đầu lá thư, Bác viết: "Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh, nhớ thương nhi đồng". Bác cho rằng, ngày 1-5 là ngày mà tất cả những người lao động thế giới tỏ tình đoàn kết, đấu tranh, thì ngày 1-6 "là ngày của các cháu nhi đồng trên thế giới tỏ tình đoàn kết và sức đấu tranh của mình...". Các cháu cần phải "Thi đua học tập, thi đua tăng gia sản xuất; thi đua giúp đỡ các gia đình thương binh, tử sĩ. Thế là các cháu đấu tranh". Bác còn có lời khuyên: "Các cháu phải đoàn kết, thương yêu nhau" và là đoàn kết, thương yêu giữa nhi đồng trong nước với nhau, cũng như bạn bè thiếu nhi trên thế giới. Bác gọi: "Đó là tinh thần quốc tế".

Vào Tết Trung thu năm 1952, Bác đã gửi cho các cháu thiếu nhi những câu thơ nhắn nhủ, dạy bảo thật ân cần: "Mong các cháu cố gắng/ Thi đua học và hành/ Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình/… Các cháu hãy xứng đáng/ Cháu Bác Hồ Chí Minh".

Năm 1953, trên báo Nhân Dân số 115, từ ngày 1 đến 5-6-1953, Bác gửi đăng bức "Thư gửi nhi đồng trong nước và ngoài nước nhân ngày 1-6". Lần này, hòa cùng niềm vui trước những chiến thắng vang dội của quân dân cả nước trong sự nghiệp kháng chiến của dân tộc, trong đó có sự đóng góp rất tích cực của thiếu nhi, Bác lại làm thơ: "Chín Tết Trung thu/ Tám năm kháng chiến/ Các cháu khôn lớn/ Bác rất vui lòng/ Thu này Bác gửi thư chung/ Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa/ Thu này hơn những thu qua/ Kháng chiến thắng lợi gấp ba bốn lần"... Và Bác kết luận: "Các cháu vui thay/ Bác cũng vui thay/ Thu sau so với thu này vui hơn".

Năm 1955, nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, Bác gửi thư cho các cháu thiếu nhi và cán bộ các trường miền Nam, Bác nêu: "Bác muốn đi thăm các cháu, nhưng vì bận quá mà chưa đi được. Lần này, Bác khuyên các cháu: Trước hết, các cháu phải thương yêu giúp đỡ nhau, phải đoàn kết chặt chẽ. Đoàn kết giữa các cháu lớn và các cháu bé... giữa các cháu vùng này với các cháu vùng khác... giữa các cháu và các cô, các chú cán bộ".

2. Năm 1961 có một sự kiện đáng nhớ đó là Bác Hồ cho 2.000 cháu lần lượt đến vui chơi trong Phủ Chủ tịch. Bác dành phòng khách sang trọng nhất trong Phủ Chủ tịch làm nơi cho các cháu triển lãm tranh ảnh của mình. Bác cho trang trí vườn hoa và lắp đặt âm thanh tốt nhất cho các cháu ca hát, liên hoan văn nghệ.

Ngày 15-5-1961, nhân lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Bác Hồ đã gửi thư cho thiếu niên, nhi đồng. Trong thư, Bác căn dặn: "Các cháu cũng tham gia đấu tranh bằng cách thực hiện mấy điều sau đây: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/ Giữ gìn vệ sinh/ Thật thà, dũng cảm".

Sau đó Bác còn lập ra Sổ Giải thưởng Bác Hồ, là sổ dành riêng để thưởng cho giáo viên và học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập. Năm học 1964 - 1965 Sổ này đã in nội dung 5 điều Bác dạy một cách hoàn chỉnh là: "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/ Giữ gìn vệ sinh thật tốt/ Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm". Lý do là vào lúc đó ở miền Bắc xuất hiện nhiều gương thiếu nhi dũng cảm cứu người, cứu hàng; ở miền Nam xuất hiện nhiều gương dũng sỹ diệt Mỹ nhỏ tuổi, Bác không muốn các em tự kiêu, mà muốn các em khiêm tốn, vì đức khiêm tốn sẽ giúp các em ngày càng tiến bộ. Nghe theo lời dạy của Bác, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam hăng hái thi đua tham gia "Hai tốt", "Thiếu nhi làm nghìn việc tốt". Chính những đóng góp tích cực của các em đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước.

Dịp Quốc tế thiếu nhi 1-6-1969, Bác đã có lời căn dặn toàn Đảng, toàn dân cần "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng" đăng trên báo Nhân Dân số 5526, ngày 1-6-1969. Người nhấn mạnh: "Chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ...". Bác kêu gọi mọi người: "Vì tương lai con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt".

Đặc biệt, trong Di chúc của mình, ở đoạn kết, Người viết: "Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng".

3. Không chỉ dành tình yêu cho các cháu thiếu nhi trong nước, Bác còn dành tình yêu bao la cho các cháu thiếu nhi khắp năm châu. Và các cháu thiếu nhi khắp năm châu cũng đã thể hiện sự yêu quý vô bờ đối với Bác. Năm 1946, Bác sang Pháp để đàm phán với Chính phủ Pháp về những vấn đề có liên quan đến vận mệnh đất nước. Thị trưởng thành phố Pa-ri mở tiệc long trọng thiết đãi Bác Hồ. Khi ra về, Người lấy trên bàn một quả táo bỏ vào túi. Mọi người ngạc nhiên, tò mò trước cử chỉ ấy của Bác.

Ra đến cửa, Bác nhìn thấy rất đông bà con Việt kiều và người Pháp đứng đón mừng Bác. Trông thấy một bà mẹ bế trên tay một cháu bé, Bác tiến lại gần, giơ tay bế cháu bé. Lúc ấy, Bác rút trong túi ra quả táo đưa cho cháu bé. Mẹ cháu bé và những người cùng đi rất cảm động trước tấm lòng yêu trẻ của Người. Ngày hôm sau, câu chuyện "quả táo của Bác Hồ" đều được các báo Pháp đăng lên đầu trang nhất. Các báo còn kể lại rằng, em bé gái khi nhận được quả táo đó thì giữ khư khư trong tay, ai xin cũng không cho. Lúc về nhà, em để quả táo trên bàn học. Cha mẹ em bảo: "Con ăn đi, kẻo để lâu sẽ hỏng, không ăn được". Nhưng em nhất định không ăn. Em nói: "Đó là táo của Bác Hồ cho con, con sẽ giữ thật lâu để làm kỷ niệm".

Ngày 7-2-1958, hơn 3.000 thiếu nhi Ấn Độ đồng diễn chào mừng Bác Hồ tới thăm nước này. Các em phấn khởi hô vang "Cha, cha Hồ" (Bác Hồ). Đây là điều rất đặc biệt, bởi chỉ có 2 người được thiếu nhi Ấn Độ gọi là Bác, đó là "Bác Nê-ru" - cố Thủ tướng Ấn Độ và "Bác Hồ" - lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam.


Nguồn tin: Bienphong.com.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Hình ảnh hoạt động

Video hoạt động

Nhịp sống trẻ tháng 8: Để khi tốt nghiệp không còn nỗi lo thất nghiệp

Liên kết Website