Trang Facebook

Lượt người truy cập

  • Đang truy cập: 153
  • Hôm nay: 37388
  • Tháng hiện tại: 326822
  • Tổng lượt truy cập: 42853405
Tuổi trẻ Tỉnh Hà Tĩnh xung kích, năng động, sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng!
App thanh niên

Chuyên mục "Mỗi ngày một cuốn sách": 16/4: "Bác Hồ với học sinh và sinh viên", "Đắc nhân tâm"

Đăng lúc: Thứ tư - 15/04/2020 23:29 - Người đăng bài viết: bantuyengiao
Chuyên mục "Mỗi ngày một cuốn sách": 16/4: "Bác Hồ với học sinh và sinh viên", "Đắc nhân tâm"

Chuyên mục "Mỗi ngày một cuốn sách": 16/4: "Bác Hồ với học sinh và sinh viên", "Đắc nhân tâm"

Hưởng ứng Ngày sách Việt Nam năm 2020 (21/4), Ban Biên tập Website Tinhdoanhatinh.vn sưu tầm, biên tập và giới thiệu đến cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi những cuốn sách hay, bổ ích; giúp các bạn trẻ bổ sung kiến thức, tự trau dồi đạo đức, phẩm chất, rèn luyện kỹ năng, sống có lý tưởng, có "Tâm trong", "Trí sáng", "Hoài bão lớn", xứng đáng với tình cảm thiêng liêng, sự kỳ vọng của Bác Hồ kính yêu, của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội giành cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Giành cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên: Cuốn sách "Đắc Nhân Tâm" – Tác giả Dale Carnegie

“Đắc nhân tâm” – Bài học gợi mở về nghệ thuật giao tiếp, thu phục lòng người

Cuốn “Đắc Nhân Tâm” của Dale Carnegie là sách thiên về kỹ năng sống, gắn liền với những quy tắc đạo đức trong xã hội. Qua cuốn sách, tác giả đã giúp chúng ta ngộ ra rằng mọi nguyên tắc ứng xử đều xuất phát từ sự chân thành thì mới thu phục được “nhân tâm”.
Ngoài việc bàn về sự chân thành trong giao tiếp, “Đắc Nhân Tâm” còn bàn về nguyên tắc “Không chỉ trích”. Sách không dạy ta cách chỉ nói với người khác lời lẽ ngọt ngào mà nó dạy ta cách nhìn vào điểm tốt của người khác thay vì chỉ chăm chăm vào những điểm xấu hiển hiện ngay trước mắt.
Đọc cuốn sách này, chúng ta sẽ tự vấn lại chính mình rằng: Tại sao chúng ta thường dành cho những khuyết điểm người khác một sự chú ý đặc biệt vậy tại sao không thể trân trọng nhiều như thế những điểm tốt của người khác? Muốn phát huy hết điểm mạnh của ai đó hãy dành cho những điểm mạnh một sự nuôi dưỡng đầy đủ. Vậy xét cho đến cùng, Dale không phải chỉ dạy ta cái vỏ bên ngoài là hành động, ông muốn thay đổi cách chúng ta nhìn nhận trong cuộc sống.
Đặc biệt, với những người làm lãnh đạo trong một số trường hợp quan trọng, việc chỉ trích cấp dưới nặng nề sẽ càng chỉ khiến tình hình tệ hơn và tạo sự phản kháng âm thầm của nhân viên. Để quên đi một lỗi lầm của một ai đó hoàn toàn không phải việc dễ dàng. Nhưng chúng ta hãy thử chỉ một lần thôi quá chú trọng đến những sai trái của người khác, biết đâu chúng ta sẽ nhận được nhiều bất ngờ về lòng biết ơn từ họ.
Bằng sự hiểu biết rộng rãi và khả năng ứng xử, giao tiếp thông minh, Dale Carnegie đã viết ra một quyển sách với góc nhìn độc đáo và đầy thuyết phục trong giao tiếp hàng ngày. Bằng những mẩu truyện ngắn nhưng đầy đủ lý lẽ thuyết phục. Và vì vậy, chúng ta có thể tìm ra những kinh nghiệm để đúc kết ra những nguyên tắc tưởng như vô cùng “ngược ngạo”, vô lý nhưng lại rất logic dưới cái nhìn vừa sâu sắc, thực tế.
Nhiều độc giả đã phải công nhận rằng “Đắc nhân tâm” thực sự là một trong số những quyển sách có tầm cao về giá trị nội dung. Đặc biệt, thông điệp lớn mà cuốn sách này muốn truyền tải chính là những gì mà con người ta ở thời đại này cần phát triển nhất chính là cách để tạo nên những mối quan hệ bền vững. Đây cũng là điều mà tất cả những tổ chức, hay mỗi một cá nhân nào đều đang tìm kiếm và đề cao nhất.

Đắc nhân tâm – Khi nghệ thuật giao tiếp trở nên gần gũi, đời thường

Có lẽ, với một số người không có cái nhìn thiện cảm với sách dạy kỹ năng sống thì việc đọc một cuốn sách dày gần trăm trang là một điều vô cùng nhàm chán và buồn tẻ. Tuy nhiên, hãy thử bắt đầu với những trang sách đầu tiên của “Đắc nhân tâm”, bạn sẽ có suy nghĩ hoàn toàn ngược lại.
Khác với nhiều cuốn sách cùng thể loại khác, nội dung “Đắc nhân tâm” không hề cứng nhắc hay tẻ nhạt vì những mớ lý thuyết sáo mòn với quá nhiều kiến thức trong cùng một chủ đề. Thay vào đó, tác giả Dale Carnegie đã viết cuốn sách này dưới hình thức như một câu chuyện liền mạch với ngôn từ đơn giản, dễ hiểu nhưng lại để lại một ghi đậm dấu ấn trong lòng người đọc.
Tuy nhiên, đọc thôi chưa đủ, mỗi trang sách là những trải nghiệm quý báu của tác giả mà khi đọc bạn cần nghiền ngẫm, chiêm nghiệm và tự liên hệ vào chính cuộc sống thực tế của mình thì mới thấy hết được giá trị của nó.
Dĩ nhiên, cuốn sách này không phải thần thánh để mang đến phép màu làm thay đổi cả thế giới, nhận thức và tư duy của bạn. Điều cần làm là bạn cần vận dụng nó một cách linh hoạt trong cuộc sống. Những khám phá mới, những tầm nhìn mới, những suy nghĩ đột phá của thời đại, những điều kỳ lạ nhưng không kém phần thú vị trong giao tiếp ứng xử sẽ là hành trang vững chãi để bạn luôn có được cuộc sống hạnh phúc, thành công và ý nghĩa hơn.
Các chỉ dẫn trong sách đều rất gần gũi và có thể phát huy hiệu quả trong đời sống thường nhật, như cách chuyển hóa người khác mà không gây chống đối hay oán giận; khích lệ, động viên cho họ làm điều mình muốn họ làm; cách để nuôi dưỡng lòng tự tôn của người khác...
Như nhiều người nhận xét, “Đắc Nhân Tâm” là một trong những cuốn sách dạy về kỹ năng sống kinh điển nhất trong lịch sử. Có lẽ vì được viết bởi một chuyên gia tâm lý, một nhà ngoại giao, một giảng viên và một nhà chính trị mà cuốn sách thực sự thành công về cả nội dung lẫn ngôn từ và thông điệp ẩn chứa đằng sau nó.

Giành cho học sinh, sinh viên:  Cuốn sách "Bác Hồ với học sinh và sinh viên" - Nhà xuất bản Văn học phát hành; gồm 116 trang do Bảo An sưu tầm – tổng hợp.

 

Nội dung cuốn sách gồm có 4 bức thư và 28 câu chuyện về tình cảm yêu thương và sự quan tâm, ân cần của Bác Hồ đối với thế hệ tương lai của đất nước.
Mỗi bức thư, mỗi câu chuyện, Bác đều bày tỏ những tình cảm ấm áp, yêu thương, kỳ vọng mà Người dành cho thanh thiếu nhi Việt Nam.
Ở Thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam, tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước nhà trông mong, chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có thể trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.
Theo Bác, công tác giáo dục thế hệ trẻ ngay từ bậc mầm non, tiểu học có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành, rèn luyện đạo đức và nhân cách con người đồng thời cung cấp kiến thức, kỹ năng để trẻ có nền tảng phát triển. Bác đã nói, cách dạy trẻ phải “giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra những người già sớm”. Bác thường nhắc nhở: “chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn”. Tư tưởng tiến bộ đó của Bác đã cho chúng ta nhận thấy giá trị quan trọng của công tác giáo dục nhi đồng nói riêng và sự nghiệp giáo dục nói chung – sự nghiệp đó phải thực sự khoa học và nghiêm cách.
Trong cuốn sách, mỗi câu chuyện là những kỷ niệm sâu sắc từng nơi Bác đã đến như: Thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng, Trường âm nhạc Việt Nam, Trường Sư phạm miền núi Trung ương, một lớp học của Tổng cục chính trị, trường Điện ảnh Việt Nam; trường học sinh miền Nam ở Hải Phòng, trường Trung học Nguyễn Khuyến Nam Định… Tất cả đều là những cảm xúc thiêng liêng nhất của những người đã từng được gặp Bác – Một vị chủ tịch nước dù bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn dành thời gian đến thăm trường, hay đi bất cứ nơi đâu đều mang theo bao sự yêu thương bằng lời động viên, nhắc nhở, dặn dò thầy trò, thanh thiếu niên học sinh về sự đoàn kết, yêu thương nhau và nỗ lực học tập vươn lên trong bất kỳ môi trường, hoàn cảnh nào cũng phải phấn đấu để trở thành những công dân có ích của Tổ quốc. Thật xúc động khi đọc câu chuyện “Tình thương của Bác”: vào tháng 3 năm 1966, chỉ một buổi sáng 44/45 em học sinh lớp 6A trường cấp 2 Hương Phúc thuộc huyện Hương Sơn – Hà Tĩnh, đã bị vùi lấp dưới hố bom (chỉ còn lại một em sống sót vì có việc nhà xin đến muộn), nơi đây chịu đựng bao ác liệt của không lực Hoa Kỳ đã rải thảm bom B.52 vào làng mạc, bệnh viện chùa chiền, nhà thờ, trường học. Được tin đau thương này, dù rất bận rộn nhưng Bác không quên một lớp học nhỏ đau thương – nơi thâm Sơn xa vời trong trăm ngàn lớp học khác. Bác đã cho mời Bộ trưởng Bộ Giáo dục, thầy trò của Trường và đại diện thân nhân của em bị nạn đến thăm hỏi, vỗ về, an ủi.
Trong vấn đề học tập, Bác nhắc nhở học sinh, sinh viên Việt Nam rằng: “Làm nghề gì cũng phải học” và mục đích của việc học là để “nâng cao năng lực làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống nhân dân càng no ấm, vui tươi”. Điều đó có nghĩa rằng ngay cả đối với một bộ phận thanh niên không theo học đại học, cao đẳng, thì việc học cũng luôn là việc hết sức quan trọng. Học từ các lớp dạy nghề, học từ kinh nghiệm cuộc sống, từ người đi trước, tự học… để nâng cao lối sống tích cực, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp để ứng dụng được kiến thức vào lao động sản xuất và làm ăn kinh tế nhằm làm giàu cho bản thân cũng như xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho các thế hệ trẻ Việt Nam tình yêu thương bao la, sâu sắc nhất. Người đã khẳng định: Thanh niên là chủ nhân tương lai của nước nhà… Chính vì thế, việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ luôn là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của toàn xã hội, “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có những con người xã hội chủ nghĩa, tức là phải có những người có đạo đức xã hội chủ nghĩa”. Nhớ lời dạy của Bác kính yêu, mỗi thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam “cần phải có chí tự động, tự cường, tự lập; phải có khí khái ham làm việc, chứ không ham địa vị; phải có quyết tâm, đã làm việc gì thì làm cho đến nơi đến chốn, làm cho kỳ được; phải có lòng ham tiến bộ, ham học hỏi, học luôn, học mãi.
Đọc những mẩu chuyện trong cuốn sách “Bác Hồ với học sinh và sinh viên”, bạn đọc càng hiểu sâu sắc sự gian khó và niềm tự hào của học sinh, sinh viên qua các thế hệ và tình cảm đặc biệt của Bác đối với thế hệ tương lai của đất nước, kể lại quá trình sinh sống và học tập và làm việc cũng như những cống hiến của Bác Hồ trong suốt cuộc đời mình.

 
Tác giả bài viết: Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn (Sưu tầm và biên tập)
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Hình ảnh hoạt động

Video hoạt động

Nhịp sống trẻ tháng 8: Để khi tốt nghiệp không còn nỗi lo thất nghiệp

Liên kết Website