Trang Facebook

Lượt người truy cập

  • Đang truy cập: 240
  • Hôm nay: 31158
  • Tháng hiện tại: 320592
  • Tổng lượt truy cập: 42847175
Tuổi trẻ Tỉnh Hà Tĩnh xung kích, năng động, sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng!
App thanh niên

Hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành và bài học về bản lĩnh của thanh niên

Đăng lúc: Thứ ba - 24/05/2022 06:49 - Người đăng bài viết: Phạm Tú
Hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành và bài học về bản lĩnh của thanh niên

Hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành và bài học về bản lĩnh của thanh niên

Ở thời điểm bước chân lên tàu Amiral Latouche Tréville…từ bến Nhà Rồng rời Tổ quốc tìm đường cứu nước (ngày 5-6-1911), người thanh niên Nguyễn Tất Thành vừa bước sang tuổi 21. Với lòng yêu nước, thương dân bao la, với bản lĩnh kiên cường, lý tưởng và khát vọng của tuổi trẻ, vượt qua muôn trùng khó khăn, gian khổ, gần 10 năm sau, ở tuổi 30, Nguyễn Tất Thành từ người tìm đường, trở thành người mở đường, dẫn đường cho dân tộc đi theo.


Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua, tháng 12.1920
 
Có người từng đặt câu hỏi “người thanh niên 21 tuổi ấy đi với mục đích gì?Để kiếm kế sinh nhai hay để thõa mãn ước mơ xa lạ nào đó của tuổi trẻ”1? Và câu trả lời của chính người thanh niên ấy, khi đã là Hồ Chí Minh: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái… Và từ thuở ấy, tôi muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy.Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài”2. Nguyễn Tất Thành muốn đi ra nước ngoài để “xem nước Pháp và các nước khác... làm như thế nào” và “sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.

Trong cảnh “đêm tối tưởng chừng không có đường ra” đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam, chủ nghĩa yêu nước vẫn là dòng chảy chính, nhiệt huyết trong trái tim nhiều thanh niên chân chính, trong đó có Nguyễn Tất Thành. Nhưng khác biệt với họ và cả với những bậc tiền bối của mình, Anh đã bản lĩnh vượt qua được lối mòn của phương thức cứu nước “nặng cốt cách phong kiến” và lập trường cứu nước dân chủ tư sản Việt Nam để tìm cho mình một con đường mới, phương thức cứu nước mới. Đó không phải là cái cách “Đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”, càng không phải là “xin giặc rủ lòng thương”. Con đường Anh chọn là đi sang phương Tây, “Không vào hang làm sao bắt được cọp”. Đây không phải là một quyết định chính trị nhất thời, mơ hồ mà là một quyết tâm lớn, có cơ sở khoa học, có định hướng rõ ràng với một tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo và trí tuệ đỉnh cao.

Trên chuyến hành trình đơn độc để vào “hang cọp” ấy, người thanh niên Nguyễn Tất Thành phải trải qua nhiều gian tuân, vất vả, có những lúc hiểm nguy đe dọa tính mạng. Nhưng với chí khí và bản lĩnh kiên cường của tuổi trẻ, với bàn tay lao động và khối óc sáng tạo của mình, Anh sẵn sàng “làm bất cứ việc gì để sống và để đi”3, để tìm hiểu, học hỏi, xem xét, khảo sát, tìm kiếm và phát hiện... Người đã đi nhiều nơi, khắp cả bốn biển năm châu để tìm chân lý; Người đã sống cuộc sống của những “Người cùng khổ” để thấu hiểu nỗi đau của nhân loại; không thỏa mãn với những tri thức mình đã có, Người luôn tự học với khát khao vươn tới đỉnh cao văn minh và trí tuệ nhân loại; Người đã làm rất nhiều việc, nhiều nghề để phục vụ cho một nghề duy nhất đó là nghề cách mạng…!

Và như một quy luật của cuộc sống, con đường gần 10 năm gian tuân, bền bỉ ấy, tất yếu đã đưa Nguyễn Tất Thành đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, một học thuyết cách mạng, khoa học, chân chính và tiến bộ của nhân loại. Người tìm thấy con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam – Con đường cách mạng vô sản. Từ một thanh niên yêu nước tiến bộ, Nguyễn Tất Thành trở thành người cộng sản, một chiến sỹ xã hội chủ nghĩa kiên trung. Từ một người tìm đường, trở thành người mở đường, dẫn đường cho dân tộc vững bước theo mục tiêu độc lập dân tộc gắn và chủ nghĩa xã hội.

Ý chí, bản lĩnh kiên cường của người thanh niên Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh với hành trình 10 năm tìm đường cứu nước đã trở thành lẽ sống, niềm tin và là nguồn cảm hứng mãnh liệt cho lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam thể hiện tinh thần trách nhiệm trước vận mệnh của Tổ quốc.

Dân tộc Việt Nam không bao giờ quên ơn thế hệ tiền liệt – những thanh niên ưu tú thời kỳ lập Đảng, đấu tranh giành độc lập dân tộc. Lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam mãi khắc ghi tinh thần chiến đấudũng cảm, hy sinh “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, tinh thần “Ba sẵn sàng” của các thế hệ thanh niên yêu nước, vì độc lập tự do, thống nhất đất nước và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Bước vào thời kỳ đổi mới, vững tin dưới sự lãnh đạo của Đảng, thanh niên Việt Nam tiếp tục xác định đúng đắn, đầy trách nhiệm vai trò người chủ tương lai của đất nước. Giữ vững và phát huy ý chí, bản lĩnh của các thế hệ đi trước, họ ra sức rèn đức, luyện tài; xung kích, sáng tạo; sẵn sàng tiếp thu các giá trị mới, tiến bộ của nhân loại nhất là khoa học công nghệ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, đổi mới đất nước, đạt “những thành tựu to lớn, có ý nghĩ lịch sử, phát triển mạnh mẽ toàn diện”, đất nước “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”4

 
Tuy vậy, trong bối cảnh thế giới ngày càng “phẳng”, nhân loại đang bước những bước lớn, vĩ đại vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi mới là những nguy cơ, thách thức hết sức nghiệt ngã! Đòi hỏi thanh niên Việt Nam không được một phút lơi là, thỏa mãn, đánh mất bản lĩnh, bỏ rơi trọng trách của mình.

Học tập và làm theo tấm gương Nguyễn Tất Thành với hành trình tìm đường cứu nước, thanh niên Việt Nam ngày hôm nay, nhất là những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trẻ tuổi hãy nâng cao trí tuệ, bản lĩnh; rèn luyện ý chí, nghị lực mạnh mẽ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đối diện với khó khăn thử thách; độc lập, chủ động, sáng tạo; tận dụng mọi cơ hội để học tập, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt, quyết không giấu dốt... để hoàn thành sứ mệnh người chủ tương lai của đất nước, xứng đáng là thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh của kỷ nguyên đổi mới toàn diện và chủ động hội nhập quốc tế.

Tài liệu tham khảo:
  1. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, H.2006, t1, tr.40
  2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, t1, tr.461
  3. Trần Dân Tiên: Những mẫuchuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, H. 1984, tr.11.     
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H,2021, t1, tr.25,36
Tác giả bài viết: Phan Bá Linh (Trường chính trị Trần Phú)
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Hình ảnh hoạt động

Video hoạt động

Nhịp sống trẻ tháng 8: Để khi tốt nghiệp không còn nỗi lo thất nghiệp

Liên kết Website