Trang Facebook

Lượt người truy cập

  • Đang truy cập: 131
  • Khách viếng thăm: 130
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 35925
  • Tháng hiện tại: 325359
  • Tổng lượt truy cập: 42851942
Tuổi trẻ Tỉnh Hà Tĩnh xung kích, năng động, sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng!
App thanh niên

Người thầy chiến đấu với Hà Bá, hơn 12 năm dạy bơi miễn phí cho 4.000 trẻ em nghèo

Đăng lúc: Thứ sáu - 05/07/2019 05:09 - Người đăng bài viết: bantuyengiao
Người thầy chiến đấu với Hà Bá, hơn 12 năm dạy bơi miễn phí cho 4.000 trẻ em nghèo

Người thầy chiến đấu với Hà Bá, hơn 12 năm dạy bơi miễn phí cho 4.000 trẻ em nghèo

Câu chuyện với thầy Tùng, mãi cho tới những phút cuối vẫn là những trăn trở, day dứt vì ở đâu đó, vẫn có những em nhỏ đã ra đi mãi mãi vì đuối nước.
Nhà văn học Xu khôm linxki từng nói: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác”.
Với thầy giáo Lê Văn Tùng - Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh, người thầy có hơn 12 năm dạy bơi miễn phí cho trẻ em nghèo ở Hà Tĩnh, dường như đó là quy luật tất yếu, "cho đi để rồi nhận lại".

 
 

Thầy Lê Văn Tùng đã hơn 12 năm nay dạy bơi miễn phí cho học trò nghèo Hà Tĩnh 

Trong buổi sáng 4/7, người thầy đặc biệt ấy đã có buổi trò chuyện trực tuyến với độc giả báo Gia đình Việt Nam. Tại đây, thầy đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện cảm động, đáng suy nghĩ về hành trình “xóa mù bơi” cho hàng ngàn trẻ em nghèo vùng “rốn lũ”.

Tiếng kêu cứu đuối nước ám ảnh tuổi thơ

Có mặt ở tòa soạn báo Gia đình Việt Nam đúng giờ hẹn, với chiếc áo sơ mi trắng giản dị, balo khoác trên vai, dáng người cao gầy, khuôn mặt sạm màu nắng gió, nét chất phác, hiền lành của người con miền Trung chẳng thể che giấu… Con người đó mộc mạc y như những hành động ý nghĩa mà anh đã làm trong nhiều năm qua.
Thầy Tùng mở đầu câu chuyện bằng những dòng hồi tưởng đầy xúc động: “Tôi xuất thân trong một gia đình làm nông nghiệp, tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ. Năm 8 tuổi, tôi bị đuối nước và may mắn được cứu nên thoát chết.  “Con ơi cứu nó với!” – là tiếng kêu cứu của một người phụ nữ đang gặt lúa bên sông khi nhìn thấy tôi bị đuối nước. Vô tình tôi biết, chính người phụ nữ ấy từng mất một người con ngay quãng sông ấy, cũng vì đuối nước. Tiếng kêu cứu ấy như ám ảnh cả tuổi thơ cho tới khi trưởng thành”.

 

Câu chuyện tuổi thơ suýt chết vì đuối nước ám ảnh cuộc đời thầy Tùng

“Lần thứ 2 trong đời, tôi phải trải qua nỗi ám ảnh đuối nước khi chứng kiến một người phụ nữ mất mạng vì ngã xuống sông. Lúc đó  tôi đã nghĩ: “Giá như mình biết bơi!”.
Câu chuyện đó như một dấu ấn khắc sâu trong ký ức của thầy để rồi chính thầy đã chọn học khoa thể dục của Đại học Vinh, ra trường về dạy học ở thị trấn để ôm giấc mộng mà ngay từ nhỏ có gì đó đã mơ hồ hình thành trong suy nghĩ của chàng trai miền Trung.

Canh cánh giấc mơ không dành cho riêng mình

Người thầy với nước da nâu sậm màu nắng gió ấy luôn canh cánh trogn lòng một giấc mơ, giấc mơ không dành riêng cho thấy, giấc mơ có thể mở một lớp dạy bơi cho trẻ em vùng quê nghèo
Có ý tưởng có lòng đam mê và nhiệt huyết, thế nhưng khi bước ra thành lập một lớp học bơi, thầy Tùng gặp không ít khó khăn, từ kinh phí, địa điểm lớp học, đến việc đảm bảo an toàn cho các em khi đến đây học bơi. Vô số ý kiến khiến cho thầy Tùng phải đau đầu suy nghĩ. Thế nhưng với tình thương dành cho những học sinh nghèo nơi đây, lớp học bơi nhanh chóng được thành lập.
"Ngày đó do không có kinh phí nên tôi đi các cửa hàng sửa xe đạp, xe máy xin những chiếc săm hỏng về làm phao bơi, còn những chiếc cọc tiêu thì tôi đi xin tre của bà con trong làng.
Đặc biệt, đầu năm 2017, thầy được tổ chức từ thiện tặng một bể bơi di động dài 10m, rộng 5m, cao gần 1,5m. Khi có bể bơi, thầy bắt đầu cải tạo vườn trong nhà, lắp đặt mái che chống nắng với tổng chi phí gần 100 triệu đồng.
Có lẽ, không có từ ngữ nào để diễn tả niềm vui của thầy và trò, bởi các em không còn phải ra sông tập bơi với bao hiểm nguy luôn rình rập, thay vào đó các em được học ở môi trường an toàn hơn.
Dù khó khăn, nhưng mọi cơ sở vật chất cần thiết, thầy Tùng luôn cố gắng bỏ tiền túi để mua sắm cho lớp học. Lớp học của thầy cũng nhận được sự ủng hộ từ nhiều tổ chức từ thiện. 
Lớp học của thầy Tùng dần trở thành một lớp học nổi tiếng trong vùng, nổi tiếng vì người thầy tận tâm dạy miễn phí, nổi tiếng vì cái tâm tử tế của một người thầy “vác tù và hàng tổng”.
Cứ như thế, trong hơn 10 năm qua, thầy Tùng đã dạy bơi miễn phí cho trên 4.000 trẻ em tại Cẩm Xuyên và các vùng lân cận.

Cả đời day dứt khi chưa có cơ duyên để cứu người nhiều
 
 

Thầy Tùng không kìm nước mắt khi nhắc tới những trường hợp trẻ nhỏ bị đuối nước 

Trong cuộc đời dạy bơi, thầy Tùng nhiều lần cứu sống những trường hợp đuối nước. Nhưng khi được hỏi, thầy có nhớ đã cứu được bao nhiêu người, siết chặt đôi bàn tay đen sạm vì nắng lửa, thầy vẫn day dứt, nuối tiếc vì chưa có cơ duyên để cứu được nhiều người.
Một câu chuyện ám ảnh mà cho tới mãi giờ đây, sau nhiều năm, nỗi đau và sự bất lực vẫn chưa nguôi ngoai trong lòng người thầy. Thầy Tùng nghẹn ngào nhớ lại câu chuyện xảy ra vào một buổi sớm cách đây 2 năm, đúng vào những ngày Hiến chương nhà giáo tháng 11, khi đang trên bục giảng, thầy nhận được một cuộc điện thoại định mệnh báo tin 2 học trò của mình gặp nạn.
Phong và Dũng, 2 học trò của thầy bị sóng cuốn trôi mất tích ở biển Thiên Cầm. Thật không may, Phong đã ra đi mãi mãi. Cậu học trò nhỏ không còn có thể cùng thầy dạy các em bơi được nữa. Thầy Tùng vẫn nhớ như in đó là buổi chiều ngày 13/11/2017.
Suốt nhiều ngày sau đó, người thầy vùi mình trong nỗi đau mất mát. Từng món đồ vật của cậu học trò nhỏ được tìm thấy khiến trái tim người thầy như thắt lại. Chính thầy cũng là người cùng người thân tới tận nơi đưa Phong về nhà. 
Thầy Tùng nghẹn lòng, mãi lúc sau mới tiếp lời: “Bao năm rồi, kể từ khi mở các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em trong vùng, mình không còn bị ám ảnh những nỗi đau như thế này. Nhưng giờ nó đã xảy ra chính với những đứa học trò bơi giỏi...”.

Người không xây ước mơ cho mình...

 

Mỗi khi nghe tin có một em nhỏ bị đuối nước, người thầy ấy không thể kìm nén những dòng nước mắt

Suốt 12 năm qua, thầy luôn sống vì những khát vọng đẹp, những việc làm tử tế bằng tất cả sức mình, chưa bao giờ thầy cho phép mình được nghỉ ngơi. Câu chuyện với thầy Tùng, mãi cho tới những phút cuối vẫn là những trăn trở, day dứt vì ở đâu đó, vẫn có những em nhỏ đã ra đi mãi mãi vì đuối nước.

 

Lớp học bơi của thầy Tùng luôn đông đúc các em nhỏ tham dự 

Giờ đây, ước mơ giúp trẻ em quê nghèo thoát khỏi những ám ảnh đuối nước đang dần được thực hiện. Ngôi nhà ở một con ngõ nhỏ xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh mỗi mùa hè đều rộn rã tiếng cười của những em nhỏ, những đứa trẻ may mắn khi gặp được người thầy tận tâm. 
Giữa cuộc sống mưu sinh với nhiều mối lo toan nhưng vẫn có người như thầy Lê Văn Tùng miệt mài làm những điều tử tế cho học trò nghèo. Chia tay người thầy có tấm lòng cao cả, chúng tôi vẫn còn ám ảnh bởi những giọt nước mắt đầy trăn trở của người thầy tận tâm. Và đâu đó, hiện lên trong chúng ta, một lớp học bơi nhỏ nhắn tràn ngập tiếng tiếng cười của những cô cậu học trò giữa mảnh đất miền Trung đầy nắng gió. Những hình ảnh "từ trái tim đến trái tim" đó như viết dài thêm những câu chuyện đẹp về những tấm lòng tử tế...

Thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho thấy, giai đoạn 2015-2017, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Năm 2018, tỉ lệ trẻ em bị đuối nước đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.
Bộ LĐTBXH cũng cho hay, chỉ khoảng 30% học sinh tiểu học và THCS ở Việt Nam biết bơi. Trong khi đó, tỉ lệ đuối nước chiếm 50% các vụ tai nạn tử vong, thương tích ở trẻ em.
Từ những số liệu trên cùng thực tế các vụ đuối nước thời gian qua cho thấy, tình trạng đuối nước ở trẻ em đang ở mức báo động.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức về việc dạy trẻ kỹ năng bơi lội tiến tới đề xuất đưa môn dạy bơi vào trường học, báo Gia đình Việt Nam đã tổ chức buổi giao lưu trực tiếp với khách mời là thầy giáo Lê Văn Tùng - người đã có hơn 12 năm dạy bơi miễn phí cho trẻ em nghèo tại Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh.
Buổi giao lưu đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo độc giả và cộng đồng mạng xã hội.

 

Tác giả bài viết: Nhóm PV
Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Hình ảnh hoạt động

Video hoạt động

Nhịp sống trẻ tháng 8: Để khi tốt nghiệp không còn nỗi lo thất nghiệp

Liên kết Website