Trang Facebook

Lượt người truy cập

  • Đang truy cập: 188
  • Khách viếng thăm: 187
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 47988
  • Tháng hiện tại: 337422
  • Tổng lượt truy cập: 42864005
Tuổi trẻ Tỉnh Hà Tĩnh xung kích, năng động, sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng!
App thanh niên

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Hà Huy Tập là hình mẫu để tuổi trẻ noi theo, học tập

Đăng lúc: Thứ tư - 24/04/2019 04:39 - Người đăng bài viết: bantuyengiao
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Hà Huy Tập là hình mẫu để tuổi trẻ noi theo, học tập

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Hà Huy Tập là hình mẫu để tuổi trẻ noi theo, học tập

Tổng Bí thư Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906, là người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh, đã hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng và dân tộc. Tài năng, phẩm chất, đạo đức cách mạng của của người cộng sản trẻ tuổi Hà Huy Tập là tấm gương sáng ngời, cỗ vũ tinh thần yêu nước, quyết tâm phấn đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp đổi mới, phát triển bền vững quê hương, đất nước cho mọi tầng lớp nhân dân và các thế hệ tuổi trẻ hôm nay và mai sau. Dịp kỷ niệm 113 năm ngày sinh của đồng chí là cơ hội tốt để các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh nâng cao hiệu quả thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam” giai đoạn 2018 - 2022 trong tuổi trẻ với các giá trị hướng tới “Tâm trong”, “Trí sáng”, “Hoài bão lớn”.
 


Tổng Bí thư Hà Huy Tập

Ngược dòng thời gian, trở về những năm đầu của thế kỷ 20, trong một gia đình nhà nho ở làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, cậu bé Hà Huy Tập đã ra đời, lớn lên và được giáo dục trong hoàn cảnh khó khăn. Ngay từ nhỏ Hà Huy Tập đã nổi tiếng tư chất thông minh, ham học, cần cù, chịu khó, đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp trường tiểu học ở tổng Thổ Ngọa nhưng vì gia cảnh khó khăn nên bị gián đoạn sự nghiệp học hành. Sự khát khao, tính chăm chỉ của cậu bé họ Hà lúc bấy giờ đã làm cảm động một người thân của gia đình và được giúp đỡ ra tỉnh lỵ Hà Tĩnh học ở Trường tiểu học Pháp - Việt. Niềm đam mê học tập của cậu bé 13 tuổi đã mang lại kết quả đáng tự hào, đỗ thủ khoa kỳ thi chọn học sinh xuất sắc do nhà trường tổ chức, được cấp học bổng vào học Trường Quốc học Huế. Những năm tháng đèn sách miệt mài, học thầy, học bạn, phấn đấu không mệt mỏi đã được đền đáp xứng đáng với tấm bằng tốt nghiệp Hạng ưu của Trường Quốc học Huế. Xác định gia đình không thể chu cấp để học lên cao hơn nữa, đồng chí về dạy học tại trường tiểu học ở thị xã Nha Trang (nay là trường THPT Nguyễn Văn Trỗi) cho đến năm 1926, sau đó chuyển về dạy trường tiểu học Cao Xuân Dục (thành phố Vinh, Nghệ An). Những năm tháng này cũng chính là thời gian Hà Huy Tập đọc nhiều sách báo, học hỏi, đúc rút từ thực tiễn, thấy được nỗi thống khổ của nhân dân ta dưới ách thống trị của thực dân Pháp và luôn trăn trở phải làm sao để cứu nước, cứu dân thoát khỏi cảnh lầm than. Đặc biệt, trong những năm tháng học tại trường Đại học Phương Đông (Liên Xô cũ), đồng chí đã dành nhiều thời gian nghiên cứu Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc, thuộc địa; tìm đọc các tác phẩm Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Mác - Ăng ghen, những nguyên lý chủ nghĩa Cộng sản của Ăngghen, những bài viết của Lênin bàn về Chủ nghĩa Mác,... Đó chính là tiền đề quan trọng cho tư tưởng, hành động và các tác phẩm lý luận tiêu biểu mang tầm lịch sử của đồng chí, như: “Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương”, cuốn sách “Sơ thảo lịch sử phong trào Cộng sản ở Đông Dương” và nhiều bài báo đăng trên các tạp chí của quốc tế cộng sản. Quá trình học tập tại Liên Xô đã giúp đồng chí Hà Huy Tập hoàn thiện về kiến thức, trình độ lý luận, nung nấu ý chí sắt đá, quyết tâm cao làm cách mạng.
 


Kết nạp đoàn viên mới tại Khu Lưu niệm Tổng Bí thư Hà Huy Tập

Với nền tảng kiến thức vững chắc được đào tạo từ các trường học danh tiếng trong và ngoài nước, đồng chí Hà Huy Tập dấn thân, trải mình trong thực tiễn đầy cam go lúc bấy giờ và đã khẳng định bản lĩnh, tư tưởng kiên định, vững vàng, cống hiến cho Đảng, cho Dân, cho đất nước cả sự nghiệp cách mạng đầy vẻ vang.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, dù ở bất cứ với cương vị nào, môi trường nào, đồng chí Hà Huy Tập cũng luôn tích cực vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia cách mạng, thành lập ra các chi bộ, tạo tiền đề cho quá trình thành lập Đảng ở nước ta. Ở trường Cao Xuân Dục, với danh nghĩa là nhà giáo, đồng chí vừa tham gia vào nhóm công tác bí mật, đưa những thanh niên ưu tú sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc tổ chức; thành lập chi bộ thanh niên ở ngay lớp học văn hóa của công nhân; khi các hoạt động bí mật tại đây bị phát hiện, đồng chí và một số thầy giáo giác ngộ cách mạng bị chuyển đi nơi khác. Mặc dù vậy, đồng chí Hà Huy Tập vẫn giữ vững niềm tin, chuyển hướng hoạt động vào Sài Gòn. Từ đây, sự nghiệp cách mạng của đồng chí liên tục tiến triển; là người đồng sáng lập ra Kỳ bộ Việt Nam cách mạng Đảng ở Nam Kỳ; là người thành lập chi bộ công nhân ở Đồn điền trồng mía Phú Mĩ (Bà Rịa),... Trước tình thế bị cảnh sát Nam kỳ phát hiện, năm 1928, đồng chí  Hà Huy Tập tạm lánh sang Trung Quốc một thời gian; tham gia hoạt động trong tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội; sau đó đi học tại Đại học Phương Đông, Liên Xô (cũ). Rời khỏi Liên Xô, trên con đường trở về nước hoạt động, đồng chí đã tham gia và có vai trò quan trọng trong việc tổ chức Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ I (Họp tại Ma Cao, Trung Quốc). Giai đoạn từ tháng 7/1936 đến tháng 3/1938, đồng chí Hà Huy Tập với cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, đã góp phần hoạch định đường lối mới của Đảng ta trong thời kỳ đầu; đóng góp nhiều ý kiến, nội dung quan trọng vào những quyết nghị của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương và Ban Chỉ huy ở ngoài ngày 26/7/1936, đánh dấu sự điều chỉnh về chủ trương sách lược đấu tranh của Đảng trước tình hình mới của thế giới và đất nước. Sự điều chỉnh này đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn cách mạng, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Đó là thời kỳ Đảng lãnh đạo nhân dân ta làm nên một cao trào cách mạng sôi nổi, rộng khắp, với sự tham gia đông đảo của các giai tầng xã hội - Cao trào cách mạng dân chủ 1936 - 1939.
Đang say sưa, nhiệt tình hoạt động cách mạng, trong một lần đi thị sát cuộc đấu tranh của nhân dân do Đảng ta tổ chức tại Sài Gòn, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 01/5/1938, đồng chí Hà Huy Tập bị địch bắt và đưa về giam ở Khám lớn, Sài Gòn. Kẻ thù đã dùng những thủ đoạn dã man nhất để tra tấn đồng chí nhưng cuối cùng chúng phải khuất phục trước tinh thần gang thép của người Cộng sản. Trước tòa án của thực dân Pháp, đồng chí khảng khái nói: “Tôi chả có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống, tôi tiếp tục hoạt động”. Ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đã xử bắn đồng chí, đồng chí Hà Huy Tập ngã xuống ở tuổi 35, khi đang tràn đầy sức lực và tài năng sáng tạo cống hiến cho cách mạng. Hà Huy Tập đi vào cõi vĩnh hằng một cách bình thản với lời hô“Cách mạng muôn năm”. Đó chính là khí phách hiên ngang của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, thể hiện niềm tin son sắt vào thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam.

 


ĐVTN huyện Cẩm Xuyên thắp nến tri ân Kỷ niệm 113 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Hà Huy Tập là niềm tự hào không chỉ của quê hương Hà Tĩnh mà của cả đất nước. Đồng chí là một nhà lãnh đạo cách mạng tài năng, không ngừng chăm lo xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; là nhà lý luận sắc sảo, một cây bút chiến đấu trên mặt trận tư tưởng và chính trị của cách mạng Việt Nam, tổ chức và chỉ đạo xuất bản sách, báo, tạp chí của Đảng; là một tấm gương của người chiến sĩ cộng sản anh dũng, kiên trung, bất khuất, chí công vô tư, hy sinh trọn đời vì nước, vì dân. Hy sinh khi tuổi đời mới 35 nhưng những đóng góp của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho Dân tộc ta là rất quan trọng và to lớn. Đồng chí để lại cho chúng ta bài học vô cùng quý giá về lý tưởng cộng sản, tinh thần học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng, về ý chí chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.
Tuổi trẻ Hà Tĩnh thế hệ hôm nay được sống trong điều kiện tốt, tiếp cận với mọi yếu tố tiên tiến, hiện đại; đời sống vật chất, tinh thần ngày càng nâng cao; càng phải biết ơn sâu sắc công lao của các thế hệ cha anh, noi gương các bậc trung hiền, tiền bối cách mạng, soi vào tấm gương sáng ngời của Tổng Bí thư Hà Huy Tập, viết tiếp trang sử vàng chói lọi của Đảng, của Đoàn và Dân tộc Việt Nam anh hùng; quyết tâm học tập, rèn đức, luyện tài, tích cực lao động, sáng tạo, xung kích, tình nguyện xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển nhanh hơn, bền vững hơn; bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh.
Tác giả bài viết: Hồng Thuỷ - Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Hình ảnh hoạt động

Video hoạt động

Nhịp sống trẻ tháng 8: Để khi tốt nghiệp không còn nỗi lo thất nghiệp

Liên kết Website