Tinh thần cách mạng của đồng chí Lý Tự Trọng và việc phát huy bản lĩnh, lý tưởng cho thanh niên
Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, vào những thời điểm bước ngoặt, cao trào thường xuất hiện những con người ưu tú, bằng hành động của mình đã tạo nên những tiếng vang lớn, thúc đẩy phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc, đồng thời cảnh báo với bọn xâm lược về tinh thần quật khởi, kiên cường của một dân tộc không chịu khuất phục trước quân thù – Lý Tự Trọng là một trong những nhân vật xuất sắc đó.
Thụ hưởng truyền thống yêu nước từ một vùng quê nghèo, giàu truyền thống hiếu học, kiên cường, bất khuất, Lý Tự Trọng sớm giác ngộ cách mạng. Do có tư chất thông minh, tinh thần yêu nước, nên 10 tuổi, Lý tự Trọng được Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Trung Quốc đưa sang Quảng Châu để bồi dưỡng, sau đó được đồng chí Nguyễn Ái Quốc định hướng học tập, hoạt động.
Năm 1929, Lý Tự Trọng về nước hoạt động cách mạng, gây dựng phong trào. Anh bị bắt và bị kết án tử hình. Tại phiên tòa, luật sư muốn bênh vực cho Anh đã nói “Bị can chưa đến tuổi thành niên, nên hoạt động không có suy nghĩ”. Song với tinh thần quả cảm của một chiến sỹ cách mạng trẻ, dám làm dám chịu trách nhiệm, Lý Tự Trọng đã dõng dạc nói “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng”; “Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác”. Sau lời tuyên bố đanh thép ấy, Anh đã nằm lại ở tuổi 17. Song cái chết đó đã hóa thành bất tử, thôi thúc, cổ vũ những trái tim nhiệt thành cách mạng, bản lĩnh, đứng lên để bảo vệ lý tưởng của mình. Lễ trao thẻ đoàn viên tại Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng Noi gương tinh thần cách mạng của đồng chí Lý Tự Trọng, các thế hệ thanh thanh niên Việt Nam đã ghi tên mình vào trang sử vàng dân tộc với nhiều chiến công hiển hách trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Hiện nay, tiếp biến văn hóa đa chiều, qua nhiều kênh là xu thế tất yếu khi mỗi quốc gia tham gia hội nhập. Điều này, trên nhiều khía cạnh đã tạo ra những động lực mới để văn hóa phát triển đa dạng, phong phú. Trong quá trình đó, bên cạnh những mặt “được” thì “mất” cũng không ít. Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống có chiều hướng gia tăng. Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mĩ tục… tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ.
Sinh hoạt chính trị "Sáng mãi con đường cách mạng của thanh niên" Từ thực tế đó cho thấy, việc xác định phát huy giá trị cốt lõi bản lĩnh, lý tưởng cách mạng cho thanh niên là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết cần hình thành ở tuổi trẻ trong thời đại mới, từ đó xây dựng nội dung và phương pháp giáo dục, khơi gợi, phát huy sao cho phù hợp, mang lại kết quả như mong muốn.
Để phát huy được bản lĩnh, lý tưởng cách mạng, trước hết thanh niên phải nhận thức đúng nội hàm giá trị của hai chuẩn mực này.
Đối với bản lĩnh, hiểu một cách chung nhất đó là sự dũng cảm trong mỗi người, thể hiện ở việc dám nghĩ, dám làm, dám đối mặt với sự thật, không ngại khó khăn thử thách trước mọi hoàn cảnh, có trách nhiệm đối với bản thân, tổ chức của mình. Bản lĩnh chính trị của một cá nhân là khả năng vượt qua những áp lực, khó khăn, thách thức; là lòng tin, sự kiên định, quyết tâm lớn lao và năng lực ứng biến với những thay đổi của thực tiễn, sự đoàn kết đồng lòng để tìm ra cách thức đúng đắn, nhằm thực hiện thành công mục tiêu chính trị của mình. Bản lĩnh chính trị dựa trên sự nắm vững tri thức khoa học và khả năng đúc rút tri thức mới từ thực tiễn hoạt động chính trị của chủ thể.
Còn lý tưởng cách mạng là định hướng giá trị cốt lõi, xuyên suốt của người cộng sản, là mục tiêu phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Đây là cụm từ mà các thế hệ sau thừa kế nội dung từ những bậc cha anh đi tìm đường giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của thực dân Pháp từ những năm 30 của thế kỷ trước nhằm xây dựng chế độ xã hội khác tốt đẹp hơn. Trên tinh thần Chỉ thị 42 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030” là cơ sở định hướng quan trọng cho việc xác định trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và toàn xã hội đối với công tác giáo dục thanh niên. Do đó, việc xác định giáo dục bản lĩnh, lý tưởng cách mạng cho thanh niên hiện nay thông qua tấm gương của các chí sỹ cách mạng như Lý Tự Trọng là một trong những cách thức hữu hiệu để thanh niên thực hiện sứ mệnh lịch sử là chủ nhân tương lai của đất nước cần tập trung một số nội dung sau:
Đối với thanh niên: mỗi một thanh niên phải tự nuôi dưỡng lý tưởng cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị. Đây là phẩm chất cơ bản, cốt lõi, quan trọng cần phải có của những nhà cách mạng tương lai; Phát huy tính tích cực học tập, trau dồi chuyên môn nghề nghiệp, nâng cao trình độ văn hóa để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, nhân dân.
ĐVTN tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện Đối với cấp ủy đảng, các tổ chức đoàn thể phải xây dựng môi trường lành mạnh, tạo điều kiện để thế hệ trẻ được rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành; Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ; Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác giáo dục tư tưởng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thông qua duy trì hoạt động Hành trình “Tìm về địa chỉ đỏ”.
Thanh niên là mùa xuân của đất nước, là lực lượng dự bị tin cậy của Đảng, lý tưởng cách mạng của thanh niên hoàn toàn thống nhất với lý tưởng của Đảng, phải luôn vững bước, tự chủ vươn lên lập thân lập nghiệp, sống có lý tưởng, có bản lĩnh, vượt khó khăn thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./. Ths. Trần Thị Bích Thủy, Trường Chính trị Trần Phú
Ý kiến bạn đọc