Trang Facebook

Lượt người truy cập

  • Đang truy cập: 122
  • Khách viếng thăm: 116
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 33861
  • Tháng hiện tại: 323295
  • Tổng lượt truy cập: 42849878
Tuổi trẻ Tỉnh Hà Tĩnh xung kích, năng động, sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng!
App thanh niên

Một số giải pháp đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Đăng lúc: Chủ nhật - 14/06/2020 20:53 - Người đăng bài viết: bantuyengiao
Một số giải pháp đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng  cho thế hệ trẻ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Một số giải pháp đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Nhân Kỷ niệm 63 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (15/6/1957 - 15/6/2020), Ban Biên tập Website tinhdoanhatinh.vn xin trân trọng giới thiệu toàn văn Bài tham luận của đồng chí Lê Thành Đông - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh tại Hội thảo khoa học "Nâng cao chất lượng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới" do Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức.
 
Thế hệ trẻ là những chủ nhân tương lai của đất nước, mang trong mình trí tuệ, sức khoẻ, và khát vọng cống hiến. Vì thế giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ là việc làm hết sức cần thiết, dẫn dắt thanh niên đi tới những giá trị tốt đẹp, cống hiến hết mình để bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc, cho nhân dân, xây dựng và phát triển đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Có gì sung sướng vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người”.
Là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại, suốt cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao vai trò, tác dụng của đạo đức trong đấu tranh cách mạng. Người đã chăm lo xây dựng nền móng đạo đức mới vững chắc cho Đảng, cho dân tộc, dày công rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nói chung, cho thế hệ trẻ nói riêng trong các giai đoạn cách mạng. Người cho rằng “Đạo đức cách mạng là ở bất kỳ cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội”[1].
Từ góc độ xã hội, thanh niên là lực lượng phát triển đông đảo. Về vai trò của thanh niên như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”; lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng nước nhà: “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng[2]. Vì thế, trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều buổi nói chuyện, nhiều bài viết về vai trò của thanh niên và công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên.
Trong bài nói chuyện tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Muốn Đoàn củng cố và phát triển, thì tất cả đoàn viên phải làm gương mẫu: Phải giữ vững đạo đức cách mạng: Phải khiêm tốn, cần cù, hăng hái, dũng cảm. Phải tránh tư tưởng kiêu ngạo, công thần, tự tư tự lợi. Phải xung phong trong mọi công tác; xung phong là đi trước, làm trước để lôi cuốn quần chúng, chứ không phải là xa rời quần chúng. Phải cố gắng học tập chính trị, văn hóa, nghề nghiệp để tiến bộ mãi, để sẵn sàng trở thành cán bộ tốt, đảng viên tốt. Phải rèn luyện thân thể cho khoẻ mạnh. Khoẻ mạnh thì mới có đủ sức để tham gia một cách dẻo dai bền bỉ những công việc ích nước lợi dân. Thanh niên nhớ kỹ những điều đó, thực hiện những điều đó, thì sẽ làm tròn nhiệm vụ của mình, sẽ tiến kịp thanh niên các nước bạn”[3]
Nhân Kỷ niệm 20 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh (2/9/1965), trong “Thư gửi thanh niên”, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn thanh niên phải “Luôn luôn trao dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh, để giúp nhau cùng tiến bộ mãi” [4]
Trong Di chúc của mình, Người căn dặn: “ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” [5]. Đây chính là sự tổng kết lý luận mà Hồ Chí Minh rút ra từ lịch sử nhân loại, dân tộc và cũng là một trong những nội dung quan trọng, xuyên suốt nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên.
Thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh, trong những thời kỳ cách mạng khác nhau, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ. Việc chăm lo, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển thanh niên được xác định vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước; đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định: “Đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng, truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật cho thế hệ trẻ. Có cơ chế, chính sách phù hợp tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ học tập, nghiên cứu, lao động, giải trí, phát triển trí tuệ, kỹ năng, thể lực. Khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại. Phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh coi việc giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh thiếu niên là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, không ngừng sáng tạo, đổi mới trong công tác giáo dục, thực hiện tốt chức năng trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên; từ đó xây dựng thế hệ trẻ có bản lĩnh kiên cường, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với dân tộc, là lực lượng xung kích cách mạng, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi “Đảng cần, dân gọi”.
Trong suốt tiến trình cách mạng, thế hệ trẻ cả nước và thế hệ trẻ Hà Tĩnh đã không ngần ngại "cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh" trong kháng chiến chống Pháp, góp phần làm nên một "Điện Biên chấn động địa cầu"; sẵn sàng phất cao ngọn cờ "3 sẵn sàng", "5 xung phong", “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, đem sức trẻ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, lấy tuổi xuân và máu mình tô thắm màu cờ Tổ quốc, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc. Những “tên đất, tên người” Xô viết - Nghệ Tĩnh, Khu Di tích Ngã ba Đồng, ... đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Người thanh niên cộng sản đầu tiên Lý Tự Trọng, Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót, 10 nữ Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc,… đã được tạc vào lịch sử, trên tượng đài sừng sững hiên ngang và trong tâm khảm của mọi thế hệ thanh thiếu niên như là minh chứng sáng ngời của niềm tin sắt son với Đảng, với Bác Hồ.
 Trong hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, tuổi trẻ Hà Tĩnh tiếp tục không ngừng học tập rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, tiếp nối lý tưởng và con đường mà lớp cha anh đã lựa chọn. Với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, hàng vạn lượt đoàn viên, thanh niên xung kích đến với những vùng miền khó khăn, biên giới, hải đảo, các xã đăng ký về đích nông thôn mới, các địa bàn xây dựng đô thị văn minh để thực hiện hàng ngàn công trình, phần việc thanh niên ý nghĩa, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cơ quan, đơn vị, Hàng năm có hàng ngàn thanh niên tình nguyện lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia bảo vệ Tổ quốc. Trước những đợt thiên tai, bão lũ, cháy rừng, dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19 những tháng đầu năm 2020, tổ chức Đoàn đã thành lập hàng trăm đội thanh niên tình nguyện tại chỗ, tình nguyện chi viện, kịp thời có mặt cùng các lực lượng khẩn trương phòng, chống và khắc phục hậu quả, hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống.
Từ các phong trào, đã xuất hiện nhiều thanh niên tiên tiến, nhiều tổ chức đoàn xuất sắc, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Thông qua công tác giáo dục và các phong trào hành động cách mạng, đã góp phần trực tiếp vào quá trình đào tạo thanh niên thành “những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Công tác giáo dục và các phong trào hành động cách mạng của Đoàn đã trở thành phương thức hữu hiệu để Đoàn thực hiện tốt chức năng là “trường học xã hội chủ nghĩa” của thanh niên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên thanh niên, phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng. Tổ chức Đoàn tiếp tục đổi mới về nội dung và phương thức tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, giáo dục truyền thống và giáo dục pháp luật cho thanh thiếu nhi; đẩy mạnh các phong trào hành động cách mạng, các chương trình, Đề án, các công trình, phần việc thiết thực.... Từng bước mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên, bồi dưỡng, phát triển đoàn viên, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận giới trẻ có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, không chịu khó tu dưỡng đạo đức cách mạng, xa rời lý tưởng cách mạng; thiếu bản lĩnh trước những thông tin xuyên tạc của các thế lực thù địch. Không ít người sống thực dụng, vô cảm trước những khó khăn, thử thách của đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sa vào tệ nạn xã hội, sống thực dụng, ngại khó, ngại khổ, đi ngược lại với truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc; bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động;…
Một trong các nguyên nhân của những biểu hiện tồn tại nêu trên là do chúng ta chưa thật sự quan tâm đổi mới phương thức, nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ trước sự thay đổi không ngừng của xã hội. Nội dung giáo dục đạo đức, lối sống còn thiếu chiều sâu, chưa thiết thực; hình thức giáo dục đạo đức, lối sống chưa có sức hấp dẫn, lôi cuốn và theo kịp với sự thay đổi, phát triển của thanh niên. Sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng, giữa nhà trường, gia đình, xã hội còn nhiều hạn chế;…
Để nâng cao chất lượng công tác giáo dục toàn diện, đặc biệt là giáo dục đạo đức cách mạng đối với thế hệ trẻ giai đoạn hiện nay, trong thời gian tới, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng, truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống, ý thức tuân thủ pháp luật cho thanh thiếu nhi.
Đây là biện pháp quan trọng có ý nghĩa hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức cho đoàn viên thanh thiếu nhi về các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, nhiệm vụ chính trị của Đoàn thanh niên trong rèn luyện đạo đức cách mạng. Các cấp bộ Đoàn phải tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng, phối hợp với chính quyền tăng cường sự lãnh đạo và đầu tư nguồn lực cho công tác giáo dục thanh thiếu niên; đồng thời xây dựng kế hoạch, giải pháp, chủ động phối hợp với các cấp, các ngành liên quan thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết 04 khóa XII của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Chú trọng xây dựng nội dung, phương thức giáo dục phong phú, đa dạng, phù hợp với thực tiễn; phát huy hiệu quả các công cụ, phương tiện truyền thông hiện đại, hệ thống mạng xã hội của Đoàn, Hội, Đội cũng như đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, Câu lạc bộ “Lý luận trẻ” trong công tác tuyên truyền, giáo dục cũng như chủ động nắm bắt, dự báo, định hướng dư luận xã hội trong thanh thiếu niên.
Kịp thời phát hiện, xây dựng, khen thưởng và nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, cá nhân xuất sắc trong học tập và làm theo Bác, bởi “một tấm gương sáng có ý nghĩa hơn một trăm bài diễn thuyết hay”.
Thứ hai, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trong tổ chức các phong trào hành động cách mạng, tạo môi trường thực tiễn để thanh thiếu nhi rèn luyện và phấn đấu. 
Với sự phát triển không ngừng của xã hội, xuất hiện ngày càng nhiều xu hướng, nhu cầu mới trong thanh niên về học tập, nghề nghiệp, việc làm, vui chơi giải trí, đòi hỏi tổ chức Đoàn cần đổi mới mạnh mẽ việc triển khai các phong trào hành động cách mạng phù hợp, kết hợp hài hòa hơn giữa việc phát huy thanh niên và đồng hành, chăm lo, giáo dục, hỗ trợ thanh niên, như các phong trào, chương trình “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Sáng tạo trẻ”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, “đồng hành với thanh thiếu nhi trong học tập, nghiên cứu khoa học, làm chủ công nghệ”, “Đồng hành với thanh thiếu nhi phát triển kỹ năng xã hội, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần” nhằm khơi dậy trong đoàn viên, thanh niên lòng tự hào dân tộc, xây dựng ý chí, động cơ đúng đắn, tạo điều kiện phát huy khả năng, bộc lộ suy nghĩ, nguyện vọng, nhận thức để có hướng động viên khuyến khích cái đúng, cái được, uốn nắn kịp thời những sai sót, yếu kém; qua đó phát huy, tập hợp, đoàn kết đoàn viên thanh niên.
Thứ ba, tập trung xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn vững mạnh, làm cơ sở để thực hiện tốt chức năng giáo dục thanh thiếu nhi; tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phải là cánh tay đắc lực của Đảng trong việc tổ chức và giáo dục thế hệ thanh niên và nhi đồng thành những chiến sĩ tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản[6]. Do đó, muốn tập hợp, thu hút đông đảo thanh niên thì trước hết, tổ chức Đoàn phải nghiên cứu tìm ra các phương pháp và hình thức thích hợp để đoàn kết và tập hợp thanh niên một cách rộng rãi, vững chắc; Chú trọng xây dựng Chi đoàn mạnh, cơ sở Đoàn vững mạnh, tổ chức Đoàn vững về tư tưởng, mạnh về hành động; đổi mới hình thức, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đoàn, tạo tính hấp dẫn, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tự giác tham gia.
Tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo địa phương đơn vị quan tâm, tạo điều kiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn, Hội, Đội đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới; không ngừng nâng cao chất lượng rèn luyện đoàn viên; thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng; tạo nguồn cán bộ trẻ cho Đảng, hệ thống chính trị, các địa phương, đơn vị.
Thứ tư, kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và tổ chức Đoàn trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh để phát huy vai trò giáo dục đạo đức cho thanh niên thì “trường đại học, gia đình, đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục thanh niên... Cần phải chú ý đến giáo dục tư tưởng, thái độ, hoạt động và sinh hoạt hàng ngày của thanh niên để kịp thời khuyến khích, uốn nắn, sửa chữa.”[7] Với thanh niên, trường học, gia đình, xã hội và tổ chức Đoàn, Hội là những nơi gắn liền với quá trình trưởng thành của thanh niên, do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức này trong công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lý tưởng của thế hệ trẻ.
Cùng với sự nỗ lực của tổ chức Đoàn, Hội, thi mỗi gia đình cần giữ gìn đạo đức, nề nếp gia phong, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, làm cho các giá trị đó ngày càng toả sáng, góp phần bồi dưỡng tư tưởng tình cảm cao đẹp cho thế hệ con cháu. Các nhà trường không chỉ dạy chữ, dạy nghề mà còn là nơi dạy cách làm người.
Năm là, phát huy tinh thần tự giác, tích cực học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của thanh thanh thiếu nhi.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để trở thành những cán bộ cách mạng chân chính, thanh niên phải coi việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức là nền tảng, là gốc; phẩm chất đạo đức, năng lực của mỗi con người “...Không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố”[8] Đối với thế hệ trẻ - những người đang trong quá trình tích lũy tri thức và hình thành nhân cách, thì việc giáo dục phẩm chất đạo đức, việc tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người “phải thường xuyên như đánh răng, rửa mặt hằng ngày”. Do đó, phải hình thành cho thanh thiếu nhi tinh thần tự giác, tích cực học tập, tu dưỡng với nhu cầu, động cơ phấn đấu, rèn luyện đúng đắn, có ý thức làm chủ, ham học hỏi, cầu tiến bộ, vươn lên tự khẳng định mình; đồng thời phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả, định hướng phấn đấu cho thanh niên; quan tâm đáp ứng những nhu cầu chính đáng về vật chất, tinh thần; giao nhiệm vụ phù hợp với năng lực, nguyện vọng, sở trường, năng khiếu. Giúp thanh thiếu nhi nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm trước Tổ quốc và Nhân dân; tự tin vào chính mình, giữ vững niềm tin trong cuộc sống, vượt qua mọi khó khăn gian khổ để từng bước khẳng định bản thân và đóng góp cho gia đình, xã hội, quê hương, đất nước.
Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩnh biệt nhân loại và dân tộc, nhưng tư tưởng của Người và những chỉ dạy về giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ mãi soi sáng, dẫn dắt tuổi trẻ cả nước nói chung và tuổi trẻ Hà Tĩnh vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó. Nhớ ơn người, tuổi trẻ Hà Tĩnh quyết tâm tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, lấy đó làm nền tảng, động lực để ra sức phấn đấu, đóng góp công sức xứng đáng “làm cho tình hình Hà Tĩnh nổi bật lên” như Bác hằng mong muốn; cùng cả nước tiến lên vững chắc trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.


[1] Hồ Chí Minh, Bàn về thanh niên, Nxb Thanh niên năm 1961, tr 85.
[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.298.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 439.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 14, tr. 619.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 622.
[6]  Hồ Chí Minh (2000) Toàn tập- Tập 10, Nxb Chính trị Quốc gia, tr21.
[7] Hồ Chí Minh, Bàn về thanh niên, Nxb Thanh niên năm 1961, tr 38.
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 9, tr. 293.

Tác giả bài viết: Lê Thành Đông - UVBCH Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Hình ảnh hoạt động

Video hoạt động

Nhịp sống trẻ tháng 8: Để khi tốt nghiệp không còn nỗi lo thất nghiệp

Liên kết Website