Giải phóng Thủ đô - Mốc son chói lọi làm nức lòng quân dân cả nước
Đối với sự nghiệp kháng chiến của quân và dân ta, ngày giải phóng Thủ đô có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Đó là sự kiện vừa đánh dấu thời khắc một thành phố thoát khỏi thực dân Pháp vừa có ý nghĩa giải phóng một cơ quan đầu não của dân tộc Việt Nam cùng một lực lượng hậu phương hùng hậu, vững mạnh. Việc đạt được thành công khi giải phóng thủ đô Hà Nội góp phần làm nên động lực to lớn tiến tới giải phóng những thành phố còn lại từ đó đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi đất nước ta. 68 năm trôi qua nhưng ngày giải phóng Thủ đô luôn là mốc son trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam nên mỗi khi đến ngày 10/10 chúng ta lại tưởng nhớ thời khắc quý giá của dân tộc.
Sau những ngày đấu trí đầy cam go, phức tạp đến ngày 20/7/1954 Hiệp định Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương được ký kết. Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của địch. Ta đã chủ động có kế hoạch đề phòng, đấu tranh, đồng thời chuẩn bị lực lượng về mọi mặt tiếp quản Thủ đô một cách trọn vẹn nhằm đập tan âm mưu của Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa của ta, lôi kéo người di cư vào Nam, làm cho Hà Nội trở thành trống rỗng, mọi công việc bị đình trệ. 35 điểm tại Hà Nội đã được bàn giao cho lực lượng quân đội Việt Nam vào 08/9/1954. Đến ngày 30/9/1954, các hiệp nghị về việc chuyển giao Hà Nội cũng hoàn thành ký kết. Từ sáng ngày 08/10/1954, các đơn vị quân đội theo kế hoạch đã chia thành nhiều đường tiến vào ngoại thành, đến 16 giờ 30 phút thì tới đường Đê La Thành, Vĩnh Tuy, Bạch Mai, Ngã Tư Sở, Ô Cầu Giấy, Nhật Tân... Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân chia ra nhiều cánh mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió như reo vui cùng hơn hai mươi vạn nhân dân Thủ đô. Niềm vui chào đón tự do chào đón đoàn quân chiến thắng trở về sau gần 9 năm bền bỉ, kiên cường chống ngoại xâm. Nhân dân trong và ngoài nước như vỡ òa chung niềm hạnh phúc của người dân Thủ đô. Các tỉnh, thành phố toàn quốc đều họp mít tinh, liên hoan chào mừng Thủ đô giải phóng. Chiến thắng vang dội của Việt Nam được bạn bè quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới cùng chia vui, đưa tin và giới thiệu rộng rãi. Hà Nội đón những đoàn quân từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản trong nhịp điệu bài hát Tiến về Hà Nội với âm điệu hào hùng “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”.
Giải phóng Thủ đô - dấu mốc quan trọng đánh dấu chuyển giao sang thời kỳ mới
Giải phóng Thủ đô là dấu mốc đánh dấu chuyển giao sang thời kỳ mới - thời đại Hồ Chí Minh và là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó là dấu ấn lịch sử để Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang và thực hiện tốt những nhiệm vụ ở những giai đoạn tiếp theo. Đây là dịp để tuyên truyền, phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, nỗ lực của mọi người dân Thủ đô, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để bảo vệ những thành quả chống dịch, góp phần cùng cả nước chiến thắng đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước khi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Thủ đô đã từng bước cụ thể hóa thực hiện hiệu quả những bước chuyển linh hoạt, hiệu quả từng bước phục hồi, phát triển kinh tế theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Đó là kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và mở cửa trở lại các hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn. Thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và các chính sách miễn, giảm thuế, lệ phí. Triển khai kế hoạch xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo. Đến nay, hầu hết (99,9%) người trên 18 tuổi và trẻ em từ 12-17 đã được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi 2, mũi nhắc lại tỷ lệ đạt cao (95,4% với người trên 18 tuổi). Triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 69,2% số trẻ thuộc đối tượng tiêm. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn được mở cửa trở lại đã tạo đà cho sự phục hồi phát triển kinh tế. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 177.464 tỷ đồng, đạt 56,9% dự toán, bằng 122,4% so với cùng kỳ năm 2021. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 30.527 tỷ đồng, đạt 28,5% dự toán và bằng 102,8% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: Chi đầu tư phát triển là 10.245 tỷ đồng, đạt 20,1% dự toán, bằng 99,3 so với cùng kỳ; Chi thường xuyên là 19.938 tỷ đồng, đạt 37,4% dự toán và bằng 103,0% so với cùng kỳ. Kinh tế phục hồi rõ rệt khi GRDP quý II ước tăng 9,49% - cao hơn 1,4 lần kịch bản đưa ra đầu năm (6,4-6,9%). Lũy kế 6 tháng GRDP tăng 7,79% - gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (6,02%) và 1,08 lần mức tăng cùng kỳ năm 2019 (7,21% - thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19); trong đó, dịch vụ tăng 9,05% - gấp 1,54 lần mức tăng cùng kỳ (5,87%), công nghiệp tăng 6,73% (cùng kỳ tăng 7,66%), xây dựng tăng 5,54%, nông nghiệp tăng 2,39%, thuế sản phẩm tăng 4,55%.; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý II đạt 104,30 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5%; Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 180,57 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% - cao hơn mức tăng cùng kỳ 8,4%. Công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ; nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt: Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; Quy hoạch bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ; Phê duyệt thêm 09 nhiệm vụ quy hoạch phân khu thuộc đô thị vệ tinh Sơn Tây, Hòa Lạc và Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Lâm...Và hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được giao trong việc tổ chức SEA Games 31; Chuẩn bị chu đáo các điều kiện về vật chất, kỹ thuật và con người góp phần tổ chức thành công SEA Games 31; Đoàn thể thao Hà Nội đạt thành tích ấn tượng với 151 huy chương – chiếm 1/3 số huy chương toàn đoàn Việt Nam. Thủ đô tập trung nguồn lực đầu tư phát triển ba lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa; ưu tiên xây dựng cải tạo trường học công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế, tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 của HĐND Thành phố.
Ngày Giải phóng Thủ đô có ý nghĩa lịch sử to lớn
Hiện nay Hà Nội là một trung tâm công nghiệp lớn, đóng vai trò đầu tàu của nền kinh tế đất nước, tiếp tục chuyển dịch theo hướng hiện đại, công nghệ cao và phát triển bền vững. Với không ít khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Nhân dân Hà Nội luôn sẵn sàng vượt qua, phát triển Thủ đô từng bước xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và hợp tác quốc tế của đất nước. Những triển vọng, thành tựu đáng tự hào đó của Thủ đô góp phần vào bức tranh xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội chung của cả nước.
Ý kiến bạn đọc