Trang Facebook

Lượt người truy cập

  • Đang truy cập: 167
  • Khách viếng thăm: 166
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 38414
  • Tháng hiện tại: 327848
  • Tổng lượt truy cập: 42854431
Tuổi trẻ Tỉnh Hà Tĩnh xung kích, năng động, sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng!
App thanh niên

Nhớ ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh

Đăng lúc: Thứ sáu - 14/06/2019 04:54 - Người đăng bài viết: bantuyengiao
Nhớ ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh

Nhớ ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh

Hà Tĩnh nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, trong một thời gian dài được coi là “phên dậu” của Tổ quốc; nhân dân vốn có lòng yêu quê hương, đất nước nồng nàn và ý chí kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm; đoàn kết, gắn bó, sống tình nghĩa, thủy chung, cần cù lao động. Chính vì thế, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất mực quan tâm, dõi theo từng bước trưởng thành của phong trào cách mạnh ở Hà Tĩnh.


Bác Hồ cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đứng trên cầu Ao sen, khu vườn Tỉnh uỷ Hà Tĩnh lúc bấy giờ

Ngay từ những năm đầu của tiến trình xây dựng và thành lập Đảng, nhất là kể từ khi phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh nổ ra cho tới mãi sau này, bất cứ ở đâu, lúc nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng theo dõi, chỉ đạo phong trào đánh giá một cách đúng mực, động viên và dành tình cảm đối với nhân dân xứ Nghệ. Trong lời viết cho Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh ngày 3/2/1964, Người viết: “Dù đế quốc Pháp và bọn phong kiến đã tạm thời nhấn chìm phong trào cách mạng trong biển máu, nhưng truyền thống oanh liệt của Xô viết Nghệ Tĩnh đã thúc đẩy phong trào cách mạng trong cả nước tiến lên và đưa đến Cách mạng tháng Tám thành công rực rỡ”. Từ năm 1945 - 1969 là thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt đối với Hà Tĩnh trên tất cả các lĩnh vực, nhưng tập trung là phong trào thi đua ái quốc, bình dân học vụ, phong trào sản xuất, chiến đấu. Tháng 8/1948, trong thư gửi ông Trưởng ty Bình dân học vụ Hà Tĩnh, sau khi gửi lời khen những làng đã thanh toán nạn mù chữ, Người đã nêu lên 3 nhiệm vụ trọng tâm về công việc bình dân học vụ trong toàn tỉnh. Đó là: Toàn tỉnh phải nhanh chóng thanh toán nạn mù chữ. Nâng cao chất lượng học tập toàn diện, gắn với tuyên truyền, cổ động cho công việc kháng chiến, kiến quốc. Bức thư đã kịp thời động viên, cổ vũ phong trào bình dân học vụ các địa phương trong toàn tỉnh. Tháng 11/1948, huyện Cẩm Xuyên đã thanh toán xong nạn mù chữ, Người đã gửi thư khen: “Thế là huyện Cẩm Xuyên đã tranh được cái vinh dự xung phong cho Hà Tĩnh và Liên khu IV trên mặt trận văn hóa bình dân”. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ những nguyên nhân đạt được thành tích, nhưng thành tích ấy chỉ là bước đầu mà phải “xung phong tăng gia sản xuất tự cấp, tự túc để diệt giặc đói”, “xung phong tổ chức dân quân du kích”, “tham gia vệ quốc quân để diệt giặc ngoại xâm”, “vì diệt giặc dốt chỉ là một trong ba mặt trận kháng chiến, kiến quốc của ta”. Tháng 2/1949, Bộ Giáo dục đã công nhận Hà Tĩnh là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước thanh toán nạn mù chữ trên phạm vi toàn tỉnh. Ngày 15/5/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã điện gửi toàn thể đồng bào tỉnh Hà Tĩnh. Bức thư của Người viết: “Hà Tĩnh là một tỉnh thanh toán xong nạn mù chữ trước nhất trong cả nước”. Lại xung phong đỡ đầu dân quân, nhất là các xã ở Can Lộc đã giúp 80 - 200 vạn đồng. Đó là kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc”. Cùng với điện khen, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định tặng thưởng nhân dân Hà Tĩnh Huân chương Độc lập hạng Nhì, bậc huân chương cao nhất, rất hiếm lúc bấy giờ. Sự quan tâm của Bác không chỉ có phong trào bình dân học vụ chung của tỉnh mà cả những điển hình cá nhân trên lĩnh vực này. Người đã viết bài “Có công mài sắt, có ngày nên kim” để biểu dương chiến sỹ diệt dốt Trần Nghệ đã tự mình phấn đấu thoát được nạn mù chữ, lại mở lớp dạy cho nhiều người.
 

Trong kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo: “Nhớ người chiến sỹ anh hùng” ca ngợi anh hùng liệt sỹ Phan Đình Giót, tấm gương “hy sinh oanh liệt để mở đầu cuộc đại thắng ở Điện Biên Phủ mà tiếng tăm đã vang lừng khắp thế giới”. Anh thanh niên xung phong Trịnh Văn Huyền đã được Người khen “siêng năng”, “nhiều sáng kiến”, “gan dạ”, “có tinh thần đoàn kết”. Người còn viết bài “Một chiến sỹ gương mẫu” nói về đồng chí Thân - một cán bộ làm tốt công tác vận động quần chúng giảm tô. Viết bài “Thanh niên anh hùng Lý Tự Trọng” để góp phần giáo dục, khích lệ tuổi trẻ, Người nhắc nhở: “Ngày nay, được Đảng giáo dục, có đoàn dìu dắt, thanh niên chúng ta phải xung phong gương mẫu trong đạo đức, trong sinh hoạt, trong học tập, trong lao động, phải thực hiện khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh vừa là hậu phương nhưng cũng là tiền tuyến có nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam và trực tiếp đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn theo dõi sát phong trào Hà Tĩnh. Ngày 23/8/1966, Người đã có thư khen quân và dân Hà Tĩnh bắn rơi 100 máy bay Mỹ. Người viết: “Ngày 26/3/1965, quân và dân Hà Tĩnh lập chiến công vẻ vang bắn rơi 12 máy bay giặc Mỹ. Từ đó đến nay, Hà Tĩnh chiến đấu và sản xuất có nhiều tiến bộ. Tính đến ngày 18/8/1966, tỉnh nhà đã bắn rơi cộng tất cả 100 máy bay giặc Mỹ”.
Cũng như trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên, cổ vũ Hà Tĩnh phong trào bình dân học vụ; năm 1964, khi Trường Cấp III Đức Thọ đổi tên thành Trường Trần Phú, Người đã có điện chúc mừng và coi đó là một vinh dự lớn cho nhà trường, “để thi đua học thật tốt làm gương mẫu tốt cho các trường khác”. Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 79 của Người (19/5/1969), Người đã thưởng cho xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) lá cờ về giáo dục, tấm chân dung của Người và bút tích với dòng chữ “Thân ái gửi lời khen đồng bào và cán bộ xã Cẩm Bình tổ chức tốt việc giáo dục văn hóa. Bác Hồ”.
Ngoài các bức điện, thư, viết bài động viên, định hướng cho phong trào Hà Tĩnh và ngày 15/6/1957, nhân dân Hà Tĩnh vô cùng vui mừng, vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm, trực tiếp nói chuyện với đại biểu cán bộ, đảng viên Hà Tĩnh và nói chuyện với Hội nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Ngày 6/7/1966, đoàn cán bộ tỉnh đi tham quan tỉnh Thái Bình về tại Phủ Chủ tịch đã được Người trực tiếp gặp gỡ và nói chuyện, Người rất am hiểu, tỏ tường mọi việc của Hà Tĩnh và luôn thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ và đặt niềm tin vào Đảng bộ, nhân dân Hà Tĩnh.
62 năm qua, kể từ ngày Bác Hồ kính yêu về thăm Hà Tĩnh, Người đã trao truyền cho đảng bộ, nhân dân ta một niềm tin sắt son và thắng lợi vẻ vang của cuộc cách mạng trường kỳ; những lời căn dặn, động viên của Bác Hồ đã cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Tĩnh khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa, thực hiện kế hoạch đổi mới đất nước trong từng giai đoạn mới. Chính vì thế, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hà Tĩnh đảm nhiệm vị trí chiến lược “hậu phương của tiền tuyến miền Nam, tiền tuyến của hậu phương miền Bắc”, nên phải đương đầu với những thử thách ác liệt và nhiều hy sinh tổn thất. Từ năm 1960 đến năm 1975, toàn tỉnh đã có 92.913 thanh niên lên đường nhập ngũ (chiếm 10% dân số lúc đó), 334.128 lượt người đi dân công hỏa tuyến, 10.636 thanh niên xung phong; 13.024 người đã anh dũng hy sinh trên chiến trường. Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, 100% đơn vị huyện, thị của tỉnh Hà Tĩnh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng. Trong những năm Hà Tĩnh hợp nhất với Nghệ An thành tỉnh Nghệ Tĩnh (1976 - 1991), Đảng bộ tỉnh Nghệ Tĩnh đã lãnh đạo nhân dân ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống, phát triển sản xuất. Trải qua các kế hoạch 5 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, tình hình kinh tế - xã hội của vùng Hà Tĩnh có nhiều chuyển biến. Cơ sở vật chất, kỹ thuật trong các ngành kinh tế, nhất là nông nghiệp được đầu tư mà điểm nhấn là công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ.
Từ khi tái lập tỉnh (1991) đến nay, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã cụ thể hóa Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc qua các nhiệm kỳ, vận dụng sáng tạo, phù hợp đặc điểm tình hình địa phương, Hà Tĩnh đã có bước phát triển vượt bậc, toàn diện trên các lĩnh vực; an ninh - quốc phòng được giữ vững; tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ vượt bậc; đời sống nhân dân được cải thiện; diện mạo của tỉnh ngày càng khởi sắc. Có thể khẳng định, những đổi mới hôm nay là điều kiện để tỉnh ta trong tương lai ngày càng vững mạnh và phát triển; Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà mà trong đó lực lượng tuổi trẻ sẽ xung kích, đi đầu, quyết tâm làm cho tình hình Hà Tĩnh nỗi bật lên như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tác giả bài viết: Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Hình ảnh hoạt động

Video hoạt động

Nhịp sống trẻ tháng 8: Để khi tốt nghiệp không còn nỗi lo thất nghiệp

Liên kết Website