Trang Facebook

Lượt người truy cập

  • Đang truy cập: 164
  • Khách viếng thăm: 163
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 31756
  • Tháng hiện tại: 321190
  • Tổng lượt truy cập: 42847773
Tuổi trẻ Tỉnh Hà Tĩnh xung kích, năng động, sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng!
App thanh niên

Điểm tựa cho học sinh nghèo

Đăng lúc: Thứ tư - 24/08/2022 05:12 - Người đăng bài viết: duchien
Điểm tựa cho học sinh nghèo

Điểm tựa cho học sinh nghèo

Chồng mất sớm, chị Mai Thị Nụ một mình bươn chải nghề thu gom phế liệu nuôi 2 con ăn học nhưng chỉ đủ rau cháo qua ngày.



Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Kim Sơn trao quà cho em Đậu Hồng Phong (bên trái)

Trước hoàn cảnh này, những người lính Đồn Biên phòng Kim Sơn (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Ninh Bình) đã mở ra cơ hội học tập cho cháu Đậu Hồng Phong (con trai lớn chị Nụ) theo Chương trình “Nâng bước em tới trường” trong 7 năm liên tiếp. 

Học trò nghèo hiếu học

Hoàn cảnh gia đình chị Mai Thị Nụ, xóm 2 Kim Hải (Kim Sơn, Ninh Bình) ai biết đến sẽ không khỏi thương cảm. Năm 2014, chồng chị mắc bệnh hiểm nghèo qua đời, để lại người vợ yếu sức và hai con trai thơ dại (cháu lớn vào lớp 6, cháu nhỏ vào lớp 3). Gia đình nghèo, không có ruộng vườn tăng gia sản xuất nên tất cả trông chờ vào từng buổi thu mua phế liệu của chị Nụ.

Để nuôi 2 con và bản thân, mỗi ngày chị Nụ đi hàng chục km bằng xe đạp khắp làng trên xóm dưới thu mua phế liệu rồi bán kiếm chút tiền chênh lệch. Ngày “đắt hàng” chị kiếm được 100 nghìn đồng, cả tháng đi làm đầy đủ, từ sáng tới tối và có hàng để mua chị kiếm được 3 triệu đồng. Số tiền này đủ cho 3 mẹ con chị chi tiêu dè sẻn.

Khó khăn, vất vả là vậy nhưng bù lại chị Nụ được “trời thương” cho 2 cậu con trai ngoan ngoãn, hiếu thảo và ham học. Đặc biệt, con trai cả Đậu Hồng Phong luôn vực dậy tinh thần cho mẹ bằng những thành tích học tập tốt 12 năm phổ thông (3 năm học sinh tiên tiến, 9 năm học sinh giỏi).

Không những thế, sau các buổi học ở trường, Phong lại cùng mẹ rong ruổi trên các con đường quê mua gom và chở phế liệu về nhà tập kết. Buổi tối em tự học bài và dạy em trai học.

Nhà nghèo, mẹ chỉ có thể cố gắng lo cho các con ngày 3 bữa cơm nên việc học, anh em Phong đều phải tự lực hoàn toàn. Các em chỉ học trên lớp, tham gia lớp nâng cao kiến thức do nhà trường hỗ trợ (miễn phí) chứ không có điều kiện để ôn luyện bên ngoài. Kể cả việc chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng nhất, anh em Phong đều tự chỉ bảo cho nhau…

Nhớ lại ngày Phong nhận giấy báo đỗ Trường Đại học Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) với số điểm 27,55, người thân, làng xóm mừng cho em, còn chị Nụ vừa mừng vừa lo. Mừng vì con đã đỗ đại học, lo bởi không biết sức mình có cáng đáng nổi tiền thuê phòng trọ, chi tiêu ăn uống, tiền học phí… suốt 4 năm. Dù con có chi tiêu tiết kiệm mỗi tháng cũng hết 3 - 4 triệu đồng. Và khi bước vào đại học, nguồn hỗ trợ Chương trình “Nâng bước em đến trường” cũng vừa kết thúc theo quy định.

Hiểu được hoàn cảnh gia đình và nỗi lo của mẹ, Đậu Hồng Phong xin đi học với quyết tâm học tốt, vừa học vừa cố gắng tìm việc làm thêm để đỡ đần, giảm bớt gánh nặng cho mẹ. Trước mắt để có tiền ăn học, Phong làm thủ tục xin vay ngân hàng theo chương trình hỗ trợ sinh viên nghèo.

Ngoài thời gian học tại trường, những ngày nghỉ lễ về thăm gia đình, Phong lại tranh thủ làm phụ hồ với mức thu nhập 250 nghìn đồng/ngày. Với Phong, được tiếp tục đi học là hạnh phúc nên với tất cả công việc chân chính, dù vất vả em đều nỗ lực làm.

“Lần đầu con lên Hà Nội nhập trường, tôi muốn đưa đi nhưng Phong bảo nhà mình nghèo đi 2 người tốn kém. Tiền đó mẹ tiết kiệm cho con chi tiêu ăn uống khi vào học. Một mình Phong với chiếc điện thoại tìm đường ra bến xe, đến trường… Lên Hà Nội, cháu tự làm thủ tục nhập học, tìm nhà trọ, cân đối chi tiêu ăn uống. Thậm chí trước ngày lên Hà Nội, Phong vẫn cố gắng làm thêm để kiếm tiền giúp mẹ…”, chị Nụ rớm nước mắt nói về cậu con trai cả.

Thầy Lã Duy Tiến - giáo viên chủ nhiệm của Phong 3 năm tại Trường THPT Bình Minh (Kim Sơn, Ninh Bình) - trao đổi: “Phong có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn nhưng em luôn nỗ lực hết mình trong cuộc sống và học tập. Phong thể hiện sự ham học, vượt khó, quyết đoán. Bất kỳ kiến thức nào chưa hiểu, em đều mạnh dạn hỏi và trao đổi ngay với thầy cô, bạn bè.

Nếu được sinh hoạt, học tập trong điều kiện bớt khó khăn, chắc chắn kết quả học tập của Phong còn tốt hơn nữa. Là giáo viên chủ nhiệm của Phong, tôi tự hào vì có học sinh như em. Em xứng đáng trở thành tấm gương để những thế hệ học trò sau này tại Trường THPT Bình Minh trân trọng, học hỏi…”.




Thiếu tá Đặng Ngọc Phan thăm và động viên gia đình chị Nụ. 


Điểm tựa vùng biên giới

Thiếu tá Đặng Ngọc Phan - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Kim Sơn - cho biết: Quá trình nắm bắt địa bàn, hoàn cảnh khó khăn của gia đình em Đậu Hồng Phong đã được Đồn Biên phòng Kim Sơn xem xét và quyết định hỗ trợ theo Chương trình “Nâng bước em đến trường” từ lớp 6 đến lớp 12 (theo quy định của chương trình).

“Khi bố Phong mất, gia đình không còn điểm tựa và hụt hẫng vô cùng. Bản thân tôi không biết làm sao để vượt qua khó khăn để nuôi 2 con ăn học đầy đủ. Việc để con nghỉ học, tham gia lao động cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên được người thân hỗ trợ, bà con làng xóm động viên, đặc biệt Đồn Biên phòng Kim Sơn giúp đỡ Phong theo trong suốt thời gian học THCS và THPT. 3 mẹ con như được tiếp thêm nghị lực sống, lao động, học tập…”, chị Nụ chia sẻ.

Đậu Hồng Phong mãi biết ơn những cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Kim Sơn đã tận tình giúp đỡ. “Không chỉ hỗ trợ về vật chất để em có điều kiện tới trường, các bác, chú của đồn còn thường xuyên qua nhà động viên, hỏi thăm việc học tập của 2 anh em. Bố mất sớm nhưng chúng em không thiếu tình yêu thương, sự chở che từ tinh thần tới vật chất. Những người lính như người cha, truyền cho em tình cảm ấm áp, sự mạnh mẽ, kiên cường, biết vượt lên hoàn cảnh. Bản thân em luôn tự hứa học thật tốt để đền đáp xứng đáng những ân tình được nhận….”, Phong bày tỏ.

Theo Thiếu tá Đặng Ngọc Phan, từ tháng 9/2016 đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Ninh Bình đã giao cho Đồn Biên phòng Kim Sơn nâng bước 4 học sinh có hoàn cảnh khó khăn để thực hiện Chương trình “Nâng bước em đến trường”. Theo đó, hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng/em cho đến khi các em học hết THPT. Nguồn kinh phí do cán bộ, chiến sĩ đơn vị đóng góp.

Cùng với việc hỗ trợ kinh phí, Đồn còn tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ nhằm động viên, khích lệ các em vươn lên trong học tập. Trong đó đã phân công cán bộ, chiến sĩ thường xuyên thăm hỏi động viên, nắm tình hình và giúp các cháu trong cuộc sống. Hàng năm, đơn vị còn tham mưu cho Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức tuyên dương học sinh có thành tích học tập nhằm khích lệ động viên kịp thời.

 

Tác giả bài viết: Báo Giáo dục thời đại
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Hình ảnh hoạt động

Video hoạt động

Nhịp sống trẻ tháng 8: Để khi tốt nghiệp không còn nỗi lo thất nghiệp

Liên kết Website