Trang Facebook

Lượt người truy cập

  • Đang truy cập: 146
  • Khách viếng thăm: 144
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 26972
  • Tháng hiện tại: 366201
  • Tổng lượt truy cập: 42892784
Tuổi trẻ Tỉnh Hà Tĩnh xung kích, năng động, sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng!
App thanh niên

9X khởi nghiệp thành công với mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Đăng lúc: Thứ tư - 03/10/2018 10:54 - Người đăng bài viết: Đặng Quốc Vũ
9X khởi nghiệp thành công với mô hình nông nghiệp công nghệ cao

9X khởi nghiệp thành công với mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Tận dụng lợi thế của địa phương, đòng chí Lê Thị Thắm (thôn Hương Mỹ, xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã phát triển thành công mô hình nông nghiệp công nghệ cao thu tiền tỷ mỗi năm.
Tốt nghiệp cao đẳng ngành Khí tượng thủy văn thế nhưng Lê Thị Thắm lại niềm đam mê với ngành nông nghiệp. Trở về làm công việc nhà nước tại quê hương, chị luôn trăn trở với kế hoạch phát triển kinh tế dựa trên chính nền nông nghiệp vốn có tại địa phương. Sinh năm 1991 nhưng Thắm luôn tự hỏi mình trồng cây gì, nuôi con gì để phù hợp với thời tiết thiên nhiên khắc nghiệt của miền Trung nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau một thời gian tìm hiểu, năm 2014, Thắm cùng gia đình bắt tay xây dựng nhà kính để trồng hoa ly và một số hoa khác như hoa cúc, hoa ly, hoa đồng tiền, tuy lip… Đồng thời, tận dụng chính sách khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tập thể của tỉnh, Thắm đã mạnh dạn liên kết với các thanh niên địa phương thành lập Tổ hợp tác Trồng nấm hoa dược liệu thanh niên với 11 thành viên tham gia.


Nhớ lại ngày đầu bắt tay, Thắm kể: “Khi lựa chọn những giống hoa này để trồng cũng hơi mạo hiểm bởi đây là những loài hoa “khó tính”, nhất là trồng trong môi trường thiên nhiên khắc nghiệt của miền Trung mình. Sau 3 năm mày mò học hỏi, những giống hoa này sinh trưởng tốt và bước đầu đã cho thu hoạch”.

Trung bình mỗi quả dưa lưới đạt từ 1 – 2kg

Trung bình mỗi quả dưa lưới đạt từ 1 – 2kg

Tuy nhiên, mong muốn có một bước đột phá hơn nữa nên Thắm và gia đình đi tham quan một số mô hình phát triển kinh tế ở các tỉnh. Nhận thấy cây dưa lưới đang được người tiêu dùng ưa chuộng và có giá trị kinh tế cao, đầu năm 2017, Tổ hợp tác Trồng nấm hoa dược liệu đã mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà màng công nghệ cao và hệ thống tưới tự động theo công nghệ của Israel mở rộng mô hình phát triển giống dưa lưới.

Lê Thị Thắm chia sẻ: “Khi quyết định trồng dưa lưới mình cũng có chút băn khoăn bởi đây là giống cây ưa nắng, nhất là giai đoạn thụ phấn, thế nhưng mình nghĩ miền Nam trồng được, miền Bắc cũng trồng được thì miền Trung cũng có thể trồng được. Khi bắt tay vào làm, các thành viên của Tổ hợp tác đều xác định khó khăn vì trồng dưa lưới cần nguồn vốn lớn đầu tư cơ sở hạ tầng. Lúc đó gia đình cực lực phản đối vì nghĩ hai vợ chồng trẻ chưa có vốn lại mạo hiểm vay mượn hàng tỷ đồng mà chưa biết thành bại thế nào. Bọn em cố gắng thuyết phục gia đình, đưa ra những hình ảnh đi tham quan rồi vạch ra những kế hoạch khả thi. Thấy hai vợ chồng quyết tâm nên gia đình cũng chấp nhận. Sau đó, em mượn hết sổ đỏ của gia đình hai bên nội ngoại thế chấp ngân hàng vay tiền về làm”.

Để giảm chi phí, Thắm đề xuất với bố mẹ chồng thuê 3.000m2 đất với giá rẻ và xây dựng hệ thống 3 nhà màng với chi phí gần 2 tỷ đồng. Vụ đầu tiên, Thắm dùng 1 nhà màng trồng thử nghiệm dưa lưới, 2 nhà màng còn lại trồng chuột bao tử. Nhờ áp dụng đúng quy trình cả 2 giống cây này đều sinh trưởng tốt và hiệu quả cao. Tuy nhiên, nhận định giống cây dưa lưới có hiệu quả tốt hơn và thu nhập cao hơn nên vụ thứ 2 trở đi Thắm sử dụng toàn bộ nhà màng để “độc canh” dưa lưới.

Lê Thị Thắm chăm chút cho từng cây giống

Với hệ thống 3 nhà kính trồng dưa lưới mỗi nhà 1.000m2 có thể trồng hơn 2000 cây. Mỗi năm cho thu hoạch 3 lứa, mỗi lứa đạt sản lượng hơn 10 tấn, với giá dao động từ 45.000 – 60.000 đồng/kg, trừ chi phí có thể cho nhập xấp xỉ 300 triệu đồng/lứa. Đặc biệt, sản phẩm được cơ quan chức năng công nhận đạt tiêu chuẩn theo quy trình Vietgap.

Chia sẻ về những khó khăn, Thắm không ngại ngùng nói: “Thời gian đầu công việc chưa vào guồng nên thấy hơi vất vả, chẳng mấy khi gia đình có bữa cơm sum vầy nhưng nghĩ đến khoản tiền nợ vay ngân hàng mà gắng gượng. Giờ làm quen rồi lại nghiện, cứ hết giờ đi làm là chạy về chăm cây thôi”.

Đến nay, Tổ hợp tác đã sản xuất được 3 vụ/năm với hơn 30 tấn dưa lưới, 4.000 gốc hoa ly, 30.000 gốc hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa lưu ly. Tổng thu nhập trung bình mỗi năm gần 1,5 tỷ đồng trừ chi phí thu về 1 tỷ đồng. Với sản lượng lớn được trồng theo quy trình sạch nên Tổ hợp tác hướng đến các cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn quốc và các siêu thị tại thành phố Vinh, Hà Nội… Hiện nay, Tổ hợp tác đã giải quyết được 7 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ với mức lương từ 4 – 5 triệu đồng/tháng.

Không những là một tấm gương thanh niên làm kinh tế giỏi, Lê Thị Thắm còn là một người hết mình với công tác Đoàn. Hiện nay đồng chí đang là UVBCH Tỉnh đoàn khóa XVII, và cũng là thành viên của đoàn đại biểu Hà Tĩnh tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI.

Với những nỗ lực của mình, năm 2018, chị Lê Thị Thắm đã trở thành một trong hai cá nhân của Hà Tĩnh vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của, giải thưởng tôn vinh thanh niên nông thôn đạt thành tích xuất trong sản xuất kinh doanh, phát triển ngành nghề và xây dựng NTM tại địa phương.

Tác giả bài viết: Tâm Đan
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Hình ảnh hoạt động

Video hoạt động

Nhịp sống trẻ tháng 8: Để khi tốt nghiệp không còn nỗi lo thất nghiệp

Liên kết Website