Tổng Bí thư Hà Huy Tập - Người cộng sản kiên trung, Nhà lãnh đạo tài ba, suốt đời vì Đảng, vì dân

Tổng Bí thư Hà Huy Tập -  Người cộng sản kiên trung, Nhà lãnh đạo tài ba, suốt đời vì Đảng, vì dân
Kỷ niệm 114 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24/4/1906 - 24/4/2020) là dịp để chúng ta tưởng nhớ, tri ân, tự soi mình vào tấm gương sáng ngời của đồng chí để hoàn thiện bản thân về mọi mặt, đóng góp công sức ngày càng nhiều hơn vào sự nghiệp chung của Đảng, khẳng định vai trò quan trọng của tuổi trẻ trong giai đoạn hiện nay.


Chân dung Tổng Bí thư Hà Huy Tập

Tổng Bí thư Hà Huy Tập - Người Cộng sản kiên trung, Nhà lãnh đạo tài ba của Đảng - Người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh. Sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí đã để lại cho chúng ta bài học vô cùng quý giá về lý tưởng sống, về tinh thần học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng, về ý chí chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc, ấm no của Nhân dân.
Tấm gương sáng ngời về tinh thần hiếu học, trau dồi tri thức, góp phần xây dựng nền tảng tư tưởng, lý luận cho Đảng
Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906, trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Ngay từ nhỏ Hà Huy Tập đã nổi tiếng tư chất thông minh, ham học, cần cù, chịu khó; mặc dù hoàn cảnh có nhiều khó khăn nhưng đồng chí đã vượt qua và tốt nghiệp hạng ưu Trường Quốc học Huế.
Trong những năm tháng dạy học và hoạt động cách mạng, đồng chí đã đọc nhiều sách báo, học hỏi, đúc rút từ thực tiễn, thấy được nỗi thống khổ của Nhân dân ta dưới ách thống trị của thực dân Pháp và luôn trăn trở phải làm sao để cứu nước, cứu dân thoát khỏi cảnh lầm than. Thời gian học tập tại trường Đại học Phương Đông (Liên Xô cũ), đồng chí đã dành nhiều thời gian nghiên cứu Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc, thuộc địa; tìm đọc các tác phẩm Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Mác - Ăng ghen, những nguyên lý chủ nghĩa Cộng sản của Ăngghen, những bài viết của Lênin bàn về Chủ nghĩa Mác,... Đó chính là tiền đề quan trọng cho tư tưởng, hành động và các tác phẩm lý luận tiêu biểu của đồng chí. Lập trường, quan điểm của Hà Huy Tập có ảnh hưởng lớn đến quan điểm của Hội Phục Việt, rồi Hưng Nam và nhất là đối với Tân Việt Cách mạng Đảng (tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam).
Nhằm tuyên truyền, giáo dục về lý luận chính trị cho đảng viên, Hà Huy Tập đã soạn thảo một số công trình khoa học để làm tài liệu như: Lịch sử Tân Việt cách mạng Đảng (1929), Hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương (1931), Đảng Cộng sản Đông Dương đứng trước chủ nghĩa cải lương quốc gia (1932), Kỷ niệm 3 năm ngày Đảng Cộng Sản Đông Dương thống nhất và đặc biệt, tác phẩm Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương  được viết năm 1933. Đồng chí nhận thức rất rõ vai trò và tác dụng to lớn của báo chí trong công tác tuyên truyền, giáo dục, trực tiếp viết nhiều tài liệu, sách báo, giáo dục lý luận cho đảng viên và Nhân dân; hướng dẫn phong trào đấu tranh cách mạng của nước ta đi vào thực tiễn, theo đường lối đúng đắn của Đảng lãnh đạo.
Đóng góp to lớn, không ngừng chăm lo xây dựng Đảng
Dù ở bất cứ với cương vị nào, môi trường nào, đồng chí Hà Huy Tập cũng luôn tích cực vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia cách mạng; thành lập ra các chi bộ, tạo tiền đề cho quá trình thành lập Đảng ở nước ta. Ở trường Cao Xuân Dục, với danh nghĩa là nhà giáo, đồng chí vừa tham gia vào nhóm công tác bí mật, đưa những thanh niên ưu tú sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc tổ chức; thành lập chi bộ thanh niên ở ngay lớp học văn hóa của công nhân. Thời gian chuyển vào Sài Gòn hoạt động, đồng chí trở thành người đồng sáng lập ra Kỳ bộ Việt Nam cách mạng Đảng ở Nam Kỳ; là người thành lập chi bộ công nhân ở Đồn điền trồng mía Phú Mĩ (Bà Rịa),... Trước tình thế bị cảnh sát Nam kỳ phát hiện, năm 1928, đồng chí được tổ chức đưa tạm lánh sang Trung Quốc; tham gia hoạt động trong tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội; sau đó đi học tại Đại học Phương Đông, Liên Xô (cũ).
Đồng chí Hà Huy Tập đã tham gia và có vai trò quan trọng trong việc tổ chức Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ I (Họp tại Ma Cao, Trung Quốc); đóng góp nhiều ý kiến, nội dung quan trọng vào những quyết nghị của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương và Ban Chỉ huy ở ngoài ngày 26/7/1936, đánh dấu sự điều chỉnh về chủ trương sách lược đấu tranh của Đảng trước tình hình mới của thế giới và đất nước. Giai đoạn từ tháng 7/1936 đến tháng 3/1938, với cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí góp phần quan trọng khôi phục lại Ban Chấp hành Trung ương Đảng, xây dựng các tổ chức quần chúng ở trong nước, hoạch định đường lối mới của Đảng ta trong thời kỳ đầu; phân công các Ủy viên Trung ương Đảng liên lạc với các tổ chức Đảng các cấp ở Trung kỳ và Bắc Kỳ, chắp nối lại tổ chức. Tháng 3-1937, đồng chí triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương mở rộng để thống nhất tổ chức Đảng ở Bắc Trung Kỳ và Trung Kỳ. Thời kỳ này, hệ thống tổ chức Đảng bao gồm 6 cấp: Trung ương - Ban Chấp hành Trung ương và các cơ quan tham mưu; tỉnh và tương đương (thành, đặc khu); huyện và tương đương (phủ, châu, quận, thành phố nhỏ); tổng - xã; chi bộ - tổ chức cơ sở Đảng đã dần dần được khôi phục.
Đấu tranh bảo vệ sự thống nhất trong Đảng, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân
Trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, năm 1932, Hà Huy Tập đã khái quát lên ba nội dung lớn về nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí luôn thể hiện quan điểm tuân thủ và giữ vững nguyên tắc tính Đảng, tuân thủ đường lối chính trị của Đảng; kịp thời khắc phục những lệch lạc, sai lầm tả khuynh và hữu khuynh, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại, chống giáo điều, bảo thủ; tích cực đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối chính trị và kỷ luật của Đảng, thống nhất về ý chí, nguyên tắc hoạt động cách mạng.
Trong mối quan hệ giữa Đảng với tổ chức quần chúng, Tổng Bí thư Hà Huy Tập khẳng định: Đảng là người chỉ đạo về đường lối, Đảng không có quyền và không nên đem mệnh lệnh áp đặt cho các hội quần chúng mà gián tiếp chỉ đạo thông qua đảng đoàn và các tổ chức quần chúng để giải thích và thuyết phục quần chúng theo đường lối của Đảng; Đảng phải nêu cao sáng kiến của quần chúng,...
Những quan điểm đó là sự gặp gỡ với quan điểm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, cho đến hiện nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị.
Thực tiễn phong trào cách mạng thời kỳ Tổng Bí thư Hà Huy Tập với những bước phát triển mới về hình thức và phương pháp đấu tranh phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, đánh dấu sự trưởng thành của Đảng ta trong công tác vận động quần chúng, thu hút và tổ chức lực lượng của các tầng lớp nhân dân đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là thời kỳ Đảng lãnh đạo Nhân dân ta làm nên một cao trào cách mạng sôi nổi, rộng khắp, với sự tham gia đông đảo của các giai tầng xã hội - Cao trào cách mạng dân chủ 1936 - 1939.
Tổng Bí thư Hà Huy Tập bị Thực dân Pháp xử bắn vào ngày 28/8/1941, hy sinh ở tuổi 35, khi đang tràn đầy sức lực và tài năng sáng tạo, khát khao cống hiến cho cách mạng. Câu nói khảng khái của đồng chí trước tòa án kẻ thù “Tôi chả có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống, tôi tiếp tục hoạt động”, lời hô vang “Cách mạng muôn năm” trước khi hy sinh, cùng với sự nghiệp cách mạng của đồng chí để lại cho Đảng và Nhân dân ta đã trở thành động lực to lớn, tiếp lửa cách mạng cho bao thế hệ cán bộ, đảng viên và người dân yêu nước qua các thời kỳ.
Học tập và làm theo tấm gương Tổng Bí thư Hà Huy Tập trong điều kiện hiện nay, thiết nghĩ, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên cần phải thấm nhuần, quán triệt sâu sắc đường lối và các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước; thường xuyên bồi đắp lý tưởng cách mạng, trau dồi tri thức, phẩm chất, tích cực tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát huy tốt vai trò nêu gương, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, các cấp bộ Đoàn trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng noi theo; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; làm cho Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh. Từ đó, góp phần củng cố niềm tin vững chắc của Nhân dân và thế hệ trẻ vào sự lãnh đạo toàn diện của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng để chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam thời kỳ mới tiếp tục gặt hái nhiều thành quả to lớn, đưa quê hương, đất nước ngày càng phát triển nhanh hơn, bền vững hơn; bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo thiêng của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tác giả bài viết: Hồng Thủy - Tỉnh đoàn