Trang Facebook

Lượt người truy cập

  • Đang truy cập: 131
  • Khách viếng thăm: 130
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 39739
  • Tháng hiện tại: 329173
  • Tổng lượt truy cập: 42855756
Tuổi trẻ Tỉnh Hà Tĩnh xung kích, năng động, sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng!
App thanh niên

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt

Đăng lúc: Chủ nhật - 28/05/2023 05:24 - Người đăng bài viết: Phạm Tú
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt

Hoàng Quốc Việt là một trong những người cộng sản, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Nhà nước ta. Quá trình hoạt động cách mạng gần 70 năm của ông đã để lại cho chúng ta tấm gương sáng về ý chí, nghị lực; về sự hy sinh, phấn đấu trọn đời cho lý tưởng của Đảng, cho sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc, vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Ý chí, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách

Hoàng Quốc Việt tên thật là Hạ Bá Cang còn được gọi là Sáu Cang. Ông sinh vào ngày 28/5/1905 tại làng Đáp Cầu, tổng Đỗ Xá, huyện Võ Giàng, nay là phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Mặc dù sinh trưởng trong một gia đình nghèo nhưng Hạ Bá Cang là người ham học, có tinh thần cầu tiến.
 Trong gia đình, người ông - Cụ Hạ Bá Đạt sự ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu sắc  đến tư tưởng của Hạ Bá Cang. Cụ Hạ Bá Đạt được biết đến là một nhà nho yêu nước, làm nghề dạy học. Sau đó ông trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp và hy sinh vào năm 1884 trong một trận chống càn. Chính tư tưởng tiến bộ, nhân cách cao thượng của người ông đã để lại những ấn tượng tốt đậm nét với Hạ Bá Cang lúc thiếu thời và có tác động trực tiếp tới suy nghĩ hành động, phong cách của đồng chí về sau. Vì thế, ngoài những kiến thức Nho học được truyền lại từ gia đình Hạ Bá Cang muốn được mở rộng thêm kiến thức qua việc học chữ Quốc ngữ. Điều đó tạo nên động lực mạnh mẽ để vượt lên hoàn cảnh khó khăn nên Hạ Bá Cang mới bắt đầu theo học lớp Đồng ấu lúc chín tuổi, đỗ bằng sơ học yếu lược năm mười hai tuổi. Với bản tính thông minh, sự cần cù và ý chí hơn người nên đồng chí đã nhanh chóng tiếp cận kiến thức, được nhiều giáo viên, bạn học quý mến. Do đó sau khi tốt nghiệp trường Tiểu học Đáp Cầu với kết quả loại ưu vào năm 1923, Hạ Bá Cang tiếp tục học tại Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng.


Đồng chí Hoàng Quốc Việt với công tác vận động quần chúng của Đảng

Sẵn sàng chấp nhận thử thách vì lý tưởng cách mạng

Vào những năm học đầu tiên ở Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng đã đem đến cho Hạ Bá Cang những trải nghiệm mới tại thành phố công nghiệp lớn nhất phía Bắc lúc bấy giờ. Dưới sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ "Tiếng bom Phạm Hồng Thái" và phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, đồng chí đã nhiệt tình, sôi nổi tham gia vào các phong trào sinh viên.
Năm 1925, sau khi tham gia phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp phải thả tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu, đồng chí cùng một số bạn bè chung chí hướng đã bị đuổi học khi đang học năm thứ ba. Đây là thử thách đầu tiên của ông khi mới tham gia phong trào sinh viên, mới bắt đầu tiếp xúc với giai cấp công nhân nhưng không hề làm đồng chí nhụt chí mà tiếp tục về quê vừa lao động, vừa tự học và tham gia hoạt động cách mạng. Điều này phần nào cho thấy được ý chí sắt đá, bản lĩnh cách mạng của chàng trai trẻ Hạ Bá Cang khi đối diện với những khó khăn trong quá trình tham gia phong trào cách mạng.
Từ năm 1925 đến 1927, Hạ Bá Cang làm công nhân tại các mỏ khác nhau ở Thái Nguyên đến Quảng Yên và trở về Hải Phòng. Thời gian đó đồng chí đã có cơ hội được tiếp xúc, học tập từ các chiến sĩ cách mạng tiền bối như Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Lương Khánh Thiện. Vào năm 1928, Hạ Bá Cang tham gia Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương và nhận nhiệm vụ vào Nam bộ gây dựng, phát triển cơ sở cách mạng. Trên đường ra Bắc dự Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản, đồng chí đã bị địch bắt tại Hải Phòng, kết án tù chung thân đày ra Côn Đảo vào 1930. Đến cuối năm 1936, sau khi Hạ Bá Cang được trả tự do đã trở ra Hà Nội cùng với Trường Chinh, Lương Khánh Thiện, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trần Huy Liệu phát triển hệ thống tổ chức của đảng, cơ sở cách mạng ở Bắc Bộ và hoạt động báo chí công khai. Đầu năm 1937, đồng chí được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ thì một năm sau bị trục xuất khỏi Hà Nội.
Từ năm 1930 đến 1936, các cơ sở đảng của Bắc Ninh và Bắc Giang phần đa bị địch phá vỡ nên Hạ Bá Cang thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng về quê xây dựng, củng cố các cơ sở cách mạng. Trong hơn một năm đầy khó khăn, trở ngại Hạ Bá Cang đã dần khôi phục lại Đảng bộ ở Bắc Ninh - Bắc Giang. Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 8 đã họp dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc vào tháng 5/1941, đồng chí nhận nhiệm vụ chỉ đạo, giúp đỡ Đảng bộ Võ Nhai xây dựng, tổ chức lực lượng. Năm 1943, Hạ Bá Cang nhận nhiệm vụ Tổng Bí thư Tổng Bộ Việt Minh. Đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí thay mặt Trung ương Đảng gấp rút vào Nam để kiểm tra và chỉ đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Sau thành công cách mạng tháng Tám năm 1945, Hạ Bá Cang cùng với lãnh đạo Xứ ủy Nam Bộ củng cố chính quyền cách mạng các cấp, xây dựng lực lượng vũ trang, chuẩn bị cho kháng chiến chống thực dân Pháp.
Vào những giai đoạn đầy cam go, thử thách của cách mạng nước nhà đồng chí đã không ngại khó khăn để đón nhận nhiệm vụ, phụng sự đất nước và Nhân dân.

Tác phong gần gũi, chan hòa trong công việc và đời sống

Đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn gương mẫu trong việc học tập, noi gương Bác Hồ về đức tính Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công, Vô tư,...Vi thế ông rất giản dị, cởi mở, chân tình với bạn bè, đồng chí cũng như cán bộ, nhân viên giúp việc và quần chúng lao động. Với công việc, ông luôn có nguyên tắc, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, thói làm ăn tắc trách, hời hợt thiếu đào sâu suy nghĩ, không quan tâm hoặc vi phạm lợi ích của người lao động. Nhất là khi ở vị trí Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí luôn xét xử công minh, giải quyết nhiều việc có lý, có tình, hợp lòng người, nhưng rất nghiêm khắc với cán bộ có chức, có quyền quan liêu, hống hách, tham ô công quỹ, trù dập quần chúng… Đại hội đại biểu lần thứ IV của Đảng đã bầu đồng chí Hoàng Quốc Việt vào Ban Chấp hành Trung ương và sau đó tiếp tục giữ nhiều chức vụ khác nhau như: Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1977), Chủ tịch danh dự Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1983), là Đại biểu Quốc hội vào các khóa V, VI, VII, VIII. Dù ở vị trí nào của Đảng, ông vẫn luôn nêu cao phẩm chất liêm khiết, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mưu cầu lợi ích riêng cho gia đình, cá nhân.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đồng chí Hoàng Quốc Việt là tấm gương về những phẩm chất đạo đức của người cộng sản chân chính, giành trọn cuộc đời phụng sự cho dân tộc, cho đất nước. Đồng chí đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và trở thành một người lãnh đạo có uy tín của Đảng. Trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Hoàng Quốc Việt có viết “Đồng chí Hoàng Quốc Việt để lại cho chúng ta tấm gương sáng về một chiến sĩ cách mạng bất khuất, trung kiên, liêm khiết, giản dị, chân thành và cởi mở với đồng chí, đồng bào, đặc biệt quan tâm đến người lao động, tính nguyên tắc kết hợp với tính linh hoạt, rất nghiêm khắc nhưng rất khoan dung, được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta yêu mến và kính trọng”.
 Kỷ niệm 118 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Quốc Việt (28/5/1905-28/5/2023), là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức của đồng chí Hoàng Quốc Việt. Từ sự trung thành với dân, với nước; sự chân thành, khiêm tốn, giản dị, yêu thương đồng chí cùng tinh thần tự giác rèn luyện về mọi mặt, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương, đất nước.
Tài liệu tham khảo

  1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Băc Ninh
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 12, tr 186, tr 190, tr 201, tr 210.

Tác giả bài viết: Phan Thị An Phú
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Hình ảnh hoạt động

Video hoạt động

Nhịp sống trẻ tháng 8: Để khi tốt nghiệp không còn nỗi lo thất nghiệp

Liên kết Website